00:31 04/01/2020

Cảnh giác khi mua các mặt hàng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Phạm Diệu

Gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ và bán buôn thực phẩm đều đã bắt đầu nhập hàng bán Tết. Đây cũng là thời điểm xuất hiện các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần cảnh giác.


Cảnh giác khi mua các mặt hàng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giá các mặt hàng đều tăng Theo ghi nhận của phóng viên, sức mua năm nay giảm hơn so với mọi năm và nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đe dọa người dân. Vào thời điểm này năm ngoái, nếu như không khí kinh doanh tại chợ Đồng Xuân ( Hà Nội), nơi chuyên bán các thực phẩm Tết tấp nập bao nhiêu thì năm nay lại vắng vẻ bấy nhiêu. Về giá cả các mặt hàng đều tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, riêng bì lợn tăng mạnh do giá thịt lợn tăng và khan hiếm. Giá cả thực phẩm tăng, tuy nhiên thiếu sự kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi phần lớn các mặt hàng đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nếu có là do người bán hàng tự cho vào. Theo quan sát, các chủ hộ kinh doanh thường mua đến cả tạ hàng sau đó tự chia vào những túi nhỏ, với lượng từ 3 lạng đến 1 cân. Lý giải về việc làm này, một chủ cơ sở cho biết: người ta đưa hàng cho mình, mình đóng lại bán, khách mua nhiều lắm nửa cân, hay một, hai gói làm quà. Tuy nhiên, một chủ một cơ sở kinh doanh khác gần đó cho biết, những ngày này không có hàng để nhập do hàng lậu đã bị bắt giữ. Các tiểu thương tại chợ cho biết, ở đây bày bán khá nhiều các loại mộc nhĩ, nấm hương Trung Quốc nhưng trên mỗi sạp hàng lại không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến lâu nay người tiêu dùng tưởng lầm là hàng Việt Nam. Rõ ràng, mập mờ đánh lận con đen người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua hàng để tránh mua phải hàng lậu hàng giả, hàng kém chất lượng khi Tết Nguyên Đán đang cận kề. Tăng cường kiểm soát các mặt hàng thực phẩmThời gian qua, cơ quan quản lý thị trường cũng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra thị trường thực phẩm Tết. Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, năm nay, ngay từ đầu tháng 11, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Kế hoạch tập trung vào những vấn đề chính sau:+ Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm có nhu cầu cao đột biến ở dịp Tết, đồ uống, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, thịt lợn, động vật và các chế phẩm từ động vật. + Thứ hai, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm siêu thị, kho đông lạnh, khu giết mổ, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm theo các tuyến, địa bàn trọng điểm. Một trong những vấn đề người tiêu dùng quan tâm hiện nay, đó là chất lượng thịt lợn. Nhiều người lo ngại do nguồn thịt lợn đang khan hiếm, trong khi nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng vào dịp Tết, thì liệu có hay không việc nhập khẩu thịt lợn kém chất lượng, thịt lợn nhập lậu? Ông Trần Hữu Linh thông tin: Để đảm bảo không có vận chuyển lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên đường, tại mỗi chốt kiểm dịch đều trực 24/7, qua kiểm tra không có xuất lậu lợn nội địa ra các tỉnh biên giới phía Bắc. Ở các tỉnh biên giới phía Nam, cách đây vài tháng thỉnh thoảng có vài xe chở lợn sống, cục quản lý thị trường đã thu giữ và xử lý. Do vậy không có nhập lợn vào thị trường nội địa, hay xuất lợn lậu qua biên giới.
Thực phẩm " xách tay" không rõ nguồn gốc? Trong dịp tết các mặt hàng thực phẩm được coi là xách tay và buôn bán qua mạng lại càng rộ lên, trôi nổi đủ các hình thức, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả hàng giả, hàng cấm. Các lực lượng quản lý thị trường cùng với các lực lượng khác đều có kế hoạch, kiểm tra kiểm soát việc bán hàng trên mạng. Tuy nhiên, thương mại điện tử đang là một lĩnh vực tương đối mới, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin internet, người mua, người bán không gặp mặt nhau nên việc kiểm tra biết chính xác đâu là người bán, địa điểm giao dịch ở đâu, kho hàng ở đâu là việc cực kỳ khó khăn. Bộ Công Thương cũng đang có kế hoạch điều chỉnh những chính sách để quản lý chặt hơn thương mại điện tư nhất là bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra kiểm soát hơn 140 nghìn vụ trên cả nước và xử lý gần 100 nghìn vụ vi phạm, thu ngân sách nhà nước khoảng hơn 500 tỷ đồng. Tiến hành thu giữ hàng hóa chuyển hồ sơ hình sự, những vụ vi phạm nghiêm trọng như buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Để người tiêu dùng không mua phải thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, nguyên tắc cơ bản là phải lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, thận trọng với những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể chứa những phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.