Tín dụng chính thức đang phủ kín nhưng tại sao “tín dụng đen” vẫn tăng?
Các tổ chức tín dụng chưa có hệ thống mạng lưới cấp cơ sở đủ mạnh để có thể tiếp cận kịp thời nhu cầu của vốn người dân trong đời sống
Một cuộc khảo sát sẽ được Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam thực hiện ở những vùng có tỷ lệ "tín dụng đen" cao vào tháng 4-5/2019 nhằm tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và nhu cầu của chị em trong vay vốn.
Theo bà Hồ Thị Quý, Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban hỗ trợ kinh tế Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, cuộc nghiên cứu này nhằm mục đích đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cải tiến sản phẩm, dịch vụ và quy trình để người dân được vay vốn kịp thời nhất, đủ vốn nhất và đáp ứng được nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng.
"Bởi chưa tiếp cận kịp thời, chưa tiếp cận được hệ thống ngân hàng và chưa tiếp cận đủ vốn là những lý do khiến người dân phải đi vay vốn ở bên ngoài trong thời gian qua", bà Quý nói.
Do đó, việc thúc đẩy các nghiên cứu khảo sát về nhu cầu vay vốn của người dân ở thời điểm hiện nay, theo đại diện Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, là cần thiết bởi giải quyết được tình trạng "3 chưa" sẽ giúp đẩy lùi tín dụng đen hoành hành.
"Vì thế, song song với cuộc khảo sát trên, Liên hiệp cũng sẽ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tổ chức cuộc nghiên cứu vấn đề về giới trong các sản phẩm tín dụng nhằm tìm ra khoảng trống trong tín dụng hiện nay", bà Quý cho biết.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 27/3/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đang cung ứng tín dụng cho gần 4 triệu hộ nông dân và cá nhân; trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang cung cấp tín dụng cho 6,6 triệu hộ vay đang còn dư nợ.
"Tín dụng chính thức đang phủ kín nhưng tại sao tín dụng đen vẫn tăng? Tại sao có những điểm tín dụng chính thức phát triển rất mạnh nhưng cũng có những điểm tín dụng đen lại hoành hành? Như Thanh Hoá, tín dụng chính thức phát triển rất tuyệt vời cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng nạn tín dụng đen cũng rất khốc liệt", ông Nguyễn Xuân Thắng, thuộc Trung ương Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, nêu vấn đề.
Nguyên nhân sâu xa, theo vị này, là do các tổ chức tín dụng chưa có hệ thống mạng lưới cấp cơ sở đủ mạnh để có thể tiếp cận kịp thời nhu cầu của vốn người dân trong đời sống.
Ông Thắng dẫn chứng, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có khoảng 10.000 cán bộ chuyên trách, Agribank có 40.000 cán bộ; trong khi chỉ tính riêng cán bộ chuyên trách của Hội Nông dân đã là 15.000 cán bộ, đó là chưa kể 275.000 cán bộ bán chuyên trách. "Do đó, nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tận dụng được đội ngũ nhân lực này để mở rộng kênh tín dụng chính thức thì sẽ rất tuyệt vời", ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Quý cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động uỷ thác thông qua các cơ quan địa phương và đoàn thể thời gian qua đã cho thấy rất nhiều ưu điểm. "Chẳng hạn, mô hình cấp tín dụng thông qua Liên hiệp đang được đánh giá là mô hình khá thành công hiện nay với đặc trưng "4 nhất". Đó là dư nợ tín dụng cao nhất, số lượng tổ tiết kiểm nhiều nhất, tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất và tỷ lệ tiết kiệm trong chị em là cao nhất", bà Quý nói.
Tuy nhiên, mô hình này hiện nay cũng có những vướng mắc. Đó là nguồn cung vốn cho các tổ chức này vẫn đến chủ yếu từ Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội nên nguồn cung tín dụng sẽ bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn sẽ tới hạn nếu không được cấp bổ sung vốn điều lệ. Hạn mức cho vay thường thấp hơn so với nhu cầu của người dân.
Thứ hai, tài sản bảo đảm vẫn được đặt ra trong hoạt động cấp tín dụng trong khi nhiều quy định liên quan tới quyền sử dụng đất chưa đồng bộ. Thứ ba, hoa hồng cấp cho tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn do các tổ chức chính trị - quản lý vẫn ở mức thấp; trong nhiều trường hợp hoa hồng bị chuyển chậm nên chưa thực sự khuyến khích sự tham gia của các cấp thôn, xóm…
Trong khi đó, cùng với việc sửa đổi ban hành chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng mở rộng kênh tín dụng chính thức, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội nhanh chóng thảo luận, tiến tới ký kết quy chế phối hợp, cách thức trong giải ngân vốn đa dạng và hiệu quả hơn nữa, phù hợp với đặc thù của nhiều địa bàn dân cư, nhất là vùng khó khăn để hỗ trợ đời sống người dân, quyết liệt đấu tranh với tín dụng đen.