17:59 22/09/2008

Tốc độ tăng CPI tháng 9 thấp nhất trong hơn một năm

Anh Quân

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, với mức tăng 0,18%

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng CPI trong tháng 9/2008 giảm là do giá của một số mặt hàng thiết yếu như thép xây dựng, phân bón, gas, lương thực... đã giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng CPI trong tháng 9/2008 giảm là do giá của một số mặt hàng thiết yếu như thép xây dựng, phân bón, gas, lương thực... đã giảm.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, với mức tăng 0,18%.

Đây là mức tăng thấp nhất trong một tháng, kể từ tháng 4/2007. Tuy nhiên, do CPI đã tăng cao trong 8 tháng trước đó, nên so với tháng 12 năm 2007, CPI tháng 9 đã tăng 21,87%, và 27,9% nếu như so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước cũng đã tăng 22,76%.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng CPI trong tháng 9/2008 giảm là do giá của một số mặt hàng thiết yếu như thép xây dựng, phân bón, gas, lương thực... đã giảm.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm đối với giá xăng cũng đã tác động tích cực đối với việc ổn định giá cả thị trường, góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng chung trong tháng 9 tăng thấp so với các tháng trước.

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu vĩ mô (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương), mức tăng thấp của chỉ số giá tháng này có nền tảng từ tháng trước đó.

Ông Cung cho rằng kỳ vọng của người dân về sự giảm giá hàng hoá dịch vụ đang tăng lên. Chính yếu tố tâm lý đã giúp ổn định được giá cả hàng hoá của tháng này.

Một yếu tố khác được ông Cung nhắc đến đó là hiệu quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. “Có thể khẳng định rằng các chính sách điều tiết vĩ mô và kiềm chế lạm phát đến lúc này đã phát huy tác dụng mạnh mẽ”, ông nhấn mạnh.

Trở lại với diễn biến giá cả tháng 9. Điểm đáng chú ý hơn cả là giá lương thực, hàng hoá chiếm quyền số cao nhất trong CPI, đã giảm 1,75% so với tháng trước đó.

Theo giải thích của một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, giá lương thực giảm do tình hình xuất khẩu gạo hiện gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng.

Cũng nằm trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng 0,26% so với tháng trước đó.
Tốc độ tăng CPI tháng 9 thấp nhất trong hơn một năm - Ảnh 1

Ở một diễn biến khác, do vào mùa khai giảng, tiêu dùng cho các sản phẩm chuẩn bị cho năm học mới tăng cao nên hai nhóm giáo dục và văn hoá, thể thao, giải trí đều tăng mạnh và đạt mức tăng lần lượt là 1,4% và 1,45%.

Trong các nhóm còn lại, có mức tăng cao hơn mức tăng chung gồm có nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế tăng 0,81%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,74%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,54%.

Giá xăng giảm cũng tác động đến giá chất đốt và dịch vụ vận tải. Điều này thể hiện rõ nét ở việc giảm giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,63%) và nhóm giao thông, bưu chính viễn thông (-0,48%).

Về diễn biến giá cả những tháng còn lại của năm, ông Cung cho rằng sẽ khó xảy ra tăng giá đột biến. “Ba tháng còn lại sẽ chỉ có mức tăng khoảng 0,5%/tháng“, ông dự báo.

Lý do, theo ông, là vì mức giá xăng dầu vẫn còn biên độ an toàn so với ngưỡng giá dầu trên thế giới hiện nay. Hơn nữa, sức mua sẽ không tăng quá cao như các năm trước do những khó khăn về kinh tế. “Đó là những rào cản khiến CPI khó “nhảy“ thêm những bước dài, cho dù là vào dịp cuối năm“, ông Cung khẳng định.