11:32 21/05/2015

Tôn trọng ý dân, Chính phủ trình sửa điều luật còn chưa hiệu lực

Nguyễn Lê

Chính phủ tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.<br>
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.<br>
Sáng 21/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Điều đặc biệt là luật này đến tận 1/1/2016 mới có hiệu lực thi hành, và điều 60 cũng được đánh giá là tiến bộ, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Căn cứ của đề xuất nói trên, theo Chính phủ, là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn sau khi nghỉ việc không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và cũng không có khả năng, nguyện vọng tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Kiến nghị của UBND Tp.HCM, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là căn cứ thứ ba.

Điều 60 được Chính phủ đề nghị sửa theo hướng, trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết.

Dù sửa đổi theo hướng này, Chính phủ vẫn dự báo là số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ giảm so với thời gian qua.

Bởi, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo điều kiện hơn cho người lao động có thể được đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng.

Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách được tăng cường thì nhận thức của người lao động được nâng nên, người lao động sẽ cân nhắc hơn khi nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như trong việc đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Báo cáo ý kiến về đề xuất của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội.

Sự đồng thuận này được giải thích là trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững.

Ủy ban này cũng cho rằng, đồng thời với việc sửa điều 60 cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già. Năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nêu con số cụ thể.

Đề nghị tiếp theo của Ủy ban là xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động gặp khó khăn để lấy tiền bảo hiểm xã hội một lần.

Ngoài ra, các tổ chức thực hiện chính sách cần tư vấn, giải thích cho người lao động hiểu đầy đủ các chính sách như bảo lưu, cộng dồn, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước nếu không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp,... để người lao động có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của họ.