11:00 25/12/2013

Tổng cục Thống kê lý giải cách tính số liệu mới

Hoài Ngân

Lý giải của Tổng cục Thống kê liên quan đến cách tính toán số liệu thống kê mới

Trong những năm qua Tổng cục Thống kê đã áp dụng thống nhất khái niệm, 
nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của 
Liên hiệp quốc để biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong những năm qua Tổng cục Thống kê đã áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hiệp quốc để biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trước những băn khoăn của công luận về cách tính toán và các kết quả thống kê về tổng sản phẩm trong nước cũng như các chỉ số kinh tế khác, Tổng cục Thống kê vừa mới đưa ra cách giải thích về các “khía cạnh kỹ thuật” của việc này.

Cụ thể, trong những năm qua Tổng cục Thống kê đã áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hiệp quốc để biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, Tổng cục Thống kê nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.

Do đó, Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng quy mô giá trị tăng thêm của hai hoạt động trên vào đầu năm 2013 đồng thời với việc áp dụng tính toán theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ ngành kinh tế (VSIC) 1993 sang VSIC 2007.

Việc chưa phản ánh hết kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư nguyên nhân do thực tế hạch toán cũng như cung cấp thông tin của các đơn vị sản xuất kinh doanh và tổ chức thu thập thông tin của Tổng cục Thống kê còn có những hạn chế, bất cập.

Đối với hoạt động ngân hàng, từ năm 2002 đến nay nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại được thành lập mới, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tăng cao, tuy nhiên báo cáo tài chính của các ngân hàng Tổng cục Thống kê thu thập chưa được cập nhật đầy đủ và thường xuyên.

Trước thực tế đó, Tổng cục Thống kê chưa phản ánh hết được kết quả kinh doanh của hoạt động ngân hàng. Dựa vào kết quả tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 và năm 2012, Tổng cục Thống kê nhận thấy khu vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tính toán qua số liệu từ báo cáo tài chính của ngân hàng thấp hơn khá nhiều so với kết quả tổng điều tra.

Do vậy, Tổng cục Thống kê tính bổ sung để đảm bảo tính đầy đủ hơn về giá trị tăng thêm của khu vực này.

Trong khi đó, về dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư, hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) áp dụng vào Việt Nam từ năm 1993, theo đó chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước được tính thay thế cho chỉ tiêu thu nhập quốc dân.

SNA quy định phạm trù sản xuất bao gồm cả “dịch vụ nhà tự có tự ở” của dân cư và được tính vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, thông tin để tính “dịch vụ nhà tự có tự ở” phải dựa vào tổng số diện tích nhà ở hiện có, giá thành xây dựng một m2 và số năm sử dụng phân theo loại nhà ở.

Từ năm 1993, thông tin trên hàng năm thường thiếu, không đáp ứng được, do vậy việc tính toán dựa vào tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành xây dựng nhà ở của dân cư nên đã hình thành chuỗi số liệu chưa phản ánh hết.

Dựa vào kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nước ta có gần 20,9 triệu nhà ở; trong đó 9,7 triệu nhà kiên cố, 7,9 triệu nhà bán kiên cố, 1,7 triệu nhà thiếu kiên cố và trên 2 triệu nhà đơn sơ và khác và kết quả “điều tra thu thập thông tin tính GDP quý theo phương pháp sản xuất và sử dụng cuối cùng năm 2011”, Tổng cục Thống kê có cơ sở để tính đầy đủ hơn giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ nhà tự có tự ở.

Số liệu dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư năm 2011 tính từ phương pháp trên chiếm 3,96% GDP, nằm trong khoảng tỷ lệ mà Chuyên gia của các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị đối với các nước khi ước tính dịch vụ nhà tự có tự ở mà không thu thập được đầy đủ thông tin để tính toán.  

Về số liệu GDP điều chỉnh, chỉ tiêu GDP được dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê khác có liên quan như: GDP bình quân đầu người, vốn đầu tư/GDP, năng suất lao động, thu ngân sách/GDP, thu thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP…

Vì vậy, khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu nêu trên phải được tính toán lại. Số liệu GDP điều chỉnh đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tính toán các chỉ tiêu tài chính/GDP trong năm kế hoạch 2014.

Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh quy mô GDP cho dãy số liệu từ năm 2004-2012 theo giá hiện hành và giá so sánh, tốc độ tăng và cơ cấu. Việc điều chỉnh số liệu GDP để phản ánh sát đúng kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được của các năm trước đây; vì vậy Tổng cục Thống kê chỉ công bố dãy số liệu GDP đã điều chỉnh, không công bố dãy số liệu cũ chưa điều chỉnh.

“Qua việc điều chỉnh số liệu GDP, Tổng cục Thống kê nhận thấy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của ngành thống kê trong quá trình thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu thống kê. Mặt khác, đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp và hộ dân cư cung cấp thông tin đúng thực trạng sản xuất kinh doanh, đảm bảo thời gian; các bộ/ngành quan tâm hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin để ngành thống kê có cơ sở biên soạn số liệu GDP và các chỉ tiêu thống kê khác được chính xác”, Tổng cục Thống kê cho biết.