11:52 10/06/2010

“Tổng vốn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chỉ là 3 tỷ USD”

Từ Nguyên

Ngày 30/5 vừa qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức được chuyển giao cho phía Việt Nam vận hành, quản lý

Ông Phùng Đình Thực - Ảnh: T. Nguyên.
Ông Phùng Đình Thực - Ảnh: T. Nguyên.
Ngày 30/5 vừa qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức được chuyển giao cho phía Việt Nam vận hành, quản lý.

Tuy nhiên, cho dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã đặt bút ký nhận bàn giao nhà máy, vẫn có không ít những câu hỏi liên quan đến quá trình “hậu bàn giao” nhà máy được những người “trong nghề” quan tâm.

Đặc biệt, liên quan đến số vốn đầu tư nhà máy, có thông tin cho rằng, tổng mức đầu tư nhà máy tính đến thời điểm nghiệm thu bàn giao đã vượt xa con số phê duyệt ban đầu.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Phùng Đình Thực - Tổng giám đốc Petro Vietnam, đơn vị chủ đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - đã khẳng định: không có chuyện vượt xa con số 3 tỷ USD như đã phê duyệt.

Ông Thực nói:

- Dự án xây dựng Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất được Chính phủ phê duyệt với tổng vốn đầu tư ban đầu là 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 6/2005, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 3 tỷ USD.

Chính vì vậy, trong năm 2009, Petro Vietnam đã tiến hành vay tín dụng 200 triệu USD cho Nhà máy Lọc dầu Dùng Quất từ ngân hàng Vietinbank và 250 triệu USD từ 11 ngân hàng thương mại khác để hoàn thành việc thu xếp vốn cho nhà máy.

Tôi có thể khẳng định, sau khi điều chỉnh thì tổng mức đầu tư của nhà máy vẫn là là 3 tỷ USD, trong đó phần vốn vay khoảng 1,7 tỷ USD. Phần còn lại là do chúng tôi tự thu xếp. Lần quyết toán vừa qua vẫn chỉ nằm trong mức 3 tỷ USD, không có chuyện vượt quá con số trên.

Còn chuyện nhân lực để vận hành nhà máy sau khi nhân bàn giao sẽ được bố trí như thế nào? Có thông tin cho rằng, phía Việt Nam vẫn phải thuê phần lớn chuyên gia nước ngoài vì chúng ta chưa đủ khả năng để vận hành nhà máy?

Từ ngày 30/5 vừa qua, được phép của hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức đi vào vận hành và các cán bộ, công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã trực tiếp vận hành ổn định.

Do đây là nhà máy lọc dầu hiện đại nhất đến thời điểm tại nên công tác vận hành nhà máy luôn được Petro Vietnam quan tâm. Chúng tôi đã bắt đầu đào tạo công nhân vận hành cho nhà máy từ 5 năm về trước. Hiện có khoảng 1.000 người đang tham gia vận hành nhà máy.

Tuy nhiên, vì những yêu cầu khắt khe trong quá trình vận hành một nhà máy hiện đại, để đảm bảo an toàn cho nhà máy, chúng tôi vẫn quyết định thuê 141 chuyên gia của công ty SK (Hàn Quốc) cùng tham gia vận hành trong 2 năm để công nhân Việt Nam hoàn thiện dần các kỹ năng vận hành nhà máy. Như vậy, tỷ lệ người nước ngoài ở đây chỉ là 141/1.000 người trực tiếp tham gia vận hành nhà máy.

Có bao giờ Petro Vietnam tính đến chuyện nâng công suất của nhà máy, thưa ông?

Công suất hiện nay của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu/năm, chúng tôi dự kiến nâng lên 10 triệu tấn. Hiện Petro Vietnam đang lập báo cáo chi tiết về kế hoạch nâng công suất của nhà máy để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Nếu được Chính phủ phê duyệt thì các bước tiếp theo mới được triển khai.

Vậy còn kế hoạch cổ phần hóa sẽ được triển khai như thế nào?

Hiện nay, sau nhà máy số 1 là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Petro Vietnam sẽ tiếp tục thực hiện nhà máy số 2 ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và số 3 ở Long Sơn (Bà Rịa -Vũng Tàu). Nhà máy số 1 hiện vẫn là 100% vốn của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chủ trương của Chính phủ là chúng ta sẽ kêu gọi một số doanh nghiệp lớn nước ngoài tham gia mua cổ phần của nhà máy. Hiện chúng tôi vẫn đang bàn với một số đối tác nước ngoài và chưa có kết quả cụ thể.

Trong thời gian qua, hầu hết các hợp đồng cung cấp dịch vụ, vận chuyển dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đều do các đơn vị thành viên của Petro Vietnam đảm nhận. Liệu điều này có ảnh hưởng đến giá cả các sản phẩm xăng dầu của nhà máy, bởi ai cũng biết nếu đấu thầu quốc tế thì giá sẽ cạnh tranh hơn?

Hiện nay, chúng tôi thực hiện việc cung cấp thiết bị, dịch vụ đúng theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng có ra chỉ thị yêu cầu tăng cường sử dụng dịch vụ trong nước.

Do vậy, với những dịch vụ mà doanh nghiệp trong nước đáp ứng được thì dứt khoát chúng tôi sẽ sử dụng “hàng nội”. Chỉ trừ những sản phẩm, dịch vụ nào trong nước chưa đáp ứng mới phải thuê, mua của nước ngoài hoặc đấu thầu quốc tế.

* Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Petro Vietnam triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư ban đầu là 2,5 tỷ USD, với công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 33% lượng xăng dầu trong nước. Từ năm 1997 đến năm 2002, dự án được đầu tư theo hình thức liên doanh góp vốn với đối tác nước ngoài. và đến năm 2003, dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư. Ngày 17/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 2,5 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Sau đó, hợp đồng EPC 1+4 và 2+3 đã được Petro Vietnam ký với tổ hợp nhà thầu Technip có hiệu lực, tiến độ tổng thể của dự án được ấn định là 44 tháng.