10:32 06/01/2010

“Không nhận bàn giao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bằng mọi giá”

Từ Nguyên

Những thắc mắc xung quanh sự cố của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được đại diện Petro Vietnam trả lời thẳng thắn

"Chúng tôi chỉ nhận bàn giao nhà máy sau khi có chữ ký xác nhận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và nhà thầu khắc phục hoàn chỉnh tất cả các sự cố trong thời gian qua".
"Chúng tôi chỉ nhận bàn giao nhà máy sau khi có chữ ký xác nhận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và nhà thầu khắc phục hoàn chỉnh tất cả các sự cố trong thời gian qua".
Những sự cố của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa qua khiến không ít người đặt câu hỏi về chất lượng thiết bị và năng lực nhà thầu.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án tạo bước chuyển về chất của ngành hóa dầu Việt Nam, và cũng là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất, tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, khi trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) - chủ đầu tư nhà máy, ông Đinh La Thăng đã khẳng định: việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp sự cố và phải lùi thời điểm nhận bàn giao là không có gì bất thường, bởi nhà máy vẫn đang trong giai đoạn chạy thử, chưa bàn giao.

Ông Thăng nói:

- Đúng là việc nhà máy gặp sự cố cũng như lùi thời điểm nhận bàn giao là ngoài mong muốn của cả Petro Vietnam lẫn phía nhà thầu Technip.

Hiện nhà máy đang phải tạm dừng để sửa chữa và thay thế. Dự kiến trong ngày 6/1, phía nhà thầu sẽ nhập về van mới để thay thế van đã hỏng trước khi tiếp tục vận hành thử và nhận bàn giao dự kiến vào cuối tháng 2 tới.

Hiện chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu đảm bảo tuyệt đối về chất lượng, khắc phục hoàn toàn các sự cố trước khi bàn giao.

Nhưng cùng với sự cố thiết bị, việc phải lùi thời hạn bàn giao cũng làm nảy sinh những lo ngại về chất lượng thiết bị của nhà thầu cung cấp, thưa ông?

Tôi xin khẳng định, việc nhà máy gặp trục trặc trong quá trình chạy thử không liên quan đến chất lượng thiết bị cũng như năng lực của nhà thầu.

Hiện nay, Petro Vietnam đang tiến hành xây dựng báo cáo tổng kết quá trình đầu tư, xây dựng, nghiệm thu và quyết toán toàn bộ nhà máy. Chắc chắn trong báo cáo này, chúng tôi sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong đó đáng chú ý là quy mô công suất của nhà máy.

Đối với hai nhà máy sắp tới tại Nghi Sơn và Long Sơn, chúng tôi sẽ đầu tư công suất 10 triệu tấn/năm trở lên, thay vì công suất 6,5 triệu tấn/năm như Nhà máy ở Dung Quất.

Còn về chất lượng sẽ có hội đồng nghiệm thu của Nhà nước tiến hành đánh giá, nghiệm thu toàn bộ nhà máy. Nhưng tôi cũng xin lưu ý, ngay cả đối với những thiết bị gặp sự cố thì cũng là do nhà sản suất, lắp đặt tốt nhất thế giới thực hiện.

Việc hỏng là do chất lượng hệ thống cung cấp khí, điện không ổn định, dẫn đến nhà máy bị tạm ngừng nhiều lần, từ đó gây ra hỏng van.

Vậy, liệu việc lùi thời hạn nhận bàn giao có tạo sức ép về thời gian khiến Petro Vietnam sẽ nhận bàn giao nhà máy bằng mọi giá?

Chúng tôi thừa nhận chậm bàn giao nhà máy là một trong những tồn tại của năm 2009 của Petro Vietnam. Song, không có chuyện chúng tôi liên tục lùi thời hạn nhận bàn giao nhà máy. Trên thực tế, chúng tôi chỉ mới lùi một lần, còn lại chưa công bố chính thức một mốc nào ngoài mốc 25/10/2009.

Đến nay chúng tôi chưa công bố chính thức thời điểm cụ thể tiến hành nhận bàn giao nhà máy. Nhưng dù là khi nào thì chúng tôi chỉ nhận bàn giao nhà máy sau khi có chữ ký xác nhận của hội đồng nghiệm thu Nhà nước và nhà thầu khắc phục hoàn chỉnh tất cả các sự cố trong thời gian qua.

Tôi xin khẳng định là không có bất cứ sức ép nào về mặt thời gian bởi chất lượng nhà máy phải đảm bảo hoàn toàn đúng như hợp đồng đã được ký kết. Chúng tôi sẽ không nhận bàn giao nhà máy bằng mọi giá.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phía chúng tôi buông lỏng về việc giám sát. Hàng ngày, Petro Vietnam cùng với nhà thầu vẫn tìm tất cả mọi giải pháp tốt nhất để đưa nhà máy sớm vào hoạt động chính thức sớm nhất với đúng các yêu cầu kỹ thuật trong hợp đồng.

Đồng thời, hàng tuần Bộ Công an vẫn tiến hành giám sát xây dựng nhà máy và có báo cáo lên Chính phủ.

Ông vừa nói, bài học rút ra từ Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất là sẽ không đầu tư nhà máy công suất nhỏ. Vậy, sau khi các nhà máy khác hoàn thành thì liệu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có đủ sức cạnh tranh?

Để tăng hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Chính phủ đã đồng ý cho phép bán tối đa 49% cổ phần cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một trong những lợi thế cạnh tranh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là tỷ suất đầu tư. Vừa rồi dự kiến quyết toán chỉ khoảng 3 tỷ USD, nhưng nếu để đầu tư một nhà máy khác như thế cùng thời điểm tối thiểu cũng phải 4 tỷ USD.

Nhưng, hiện nay Chính phủ cũng đã đồng ý việc mở rộng quy mô công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong trong thời gian tới. Có hai phương án: hoặc lên gấp đôi (13 triệu tấn/ năm và 10 triệu tấn/năm).

Hiện chúng tôi đang nghiêng về phương án nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm và đồng thời cũng đã tính đến phương án sử dụng dầu hỗn hợp khác ngoài dầu Bạch Hổ.

Được biết, ngoài sự cố thiết bị van, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng gặp nhiều sự cố khác về điện?

Thực tế thì hệ thống điện hiện nay đã được đầu tư từ lâu, manh mún nên chất lượng không được đảm bảo.

Còn hệ thống điện cho nhà máy lúc đầu được thiết kế là sẽ hòa lưới điện quốc gia. Nhưng sau đó, do độ ổn áp của hệ thống thấp, dao động mạnh nên không thể kết nối.

Hiện chúng tôi đã báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng tách rời sử dụng hệ thống trong giai đoạn đầu, đồng thời tiến hành làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để khắc phục các hạn chế.

Sau sự cố của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Chính phủ có chỉ đạo gì trong việc lựa chọn nhà thầu cho các dự án lọc dầu khác, thưa ông?

Hiện chúng ta đang chạy nghiệm thu Nhà máy Lọc dầu số 1 (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - PV), còn nhà máy số 2 đặt tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) hiện đã hoàn thành thiết kế cơ sở và đang chuẩn bị công tác đấu thầu xây dựng.

Đối với dự án Long Sơn, hiện Petro Vietnam đang đàm phán các điều kiện để thành lập liên doanh với các nhà thầu nước ngoài, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc…

Các nhà thầu của các dự án sau này đều tham gia quy trình đấu thầu bình thường như mọi dự án khác. Nhà thầu nào có đáp ứng đủ điều kiện về kỹ thuật, tài chính đều có thể tham gia đấu thầu.