15:18 03/10/2021

TP.HCM: Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Hoài Niệm

Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn. Tiến hành điều tra nghề cá thương phẩm hằng năm, điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản...

10.000 con cá mú đen và 20.000 con cá chẽm được thả xuống vùng biển tại khu vực vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ.
10.000 con cá mú đen và 20.000 con cá chẽm được thả xuống vùng biển tại khu vực vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ.

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành công văn số 3192/UBND-KT về việc tăng cường các biện pháp bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

THẢ CÁ, TÁI TẠO NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Theo đó, Chính quyền Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng, ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố.

Công văn 3192 nêu rõ: Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm hàng năm; điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề. Ủy ban nhân dân Thành cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa Khu bảo tồn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ) vào quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đồng thời, Chính quyền Thành phố khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng trên địa bàn Thành phố nhằm xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác thủy sản theo loại tại vùng ven bờ và vùng lộng. 

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn; tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, Chi cục Thủy sản TP.HCM đã tiến hành hoạt động thả 30.000 con cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Cần Giờ. Kế hoạch thả cá không chỉ riêng ở các vùng ven biển Cần Giờ mà ngay cả hệ thống sông, kênh, rạch trong Thành phố cũng thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Thành phố đã đề nghị bà con ngư dân không sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị nghiêm cấm để khai thác thủy sản. Trong số 30.000 cá thể cá được thả, có 10.000 con cá mú đen, 20.000 con cá chẽm tại vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ.

Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngư dân và ngành ngư nghiệp huyện Cần Giờ đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển nghề khai thác thủy sản với số lượng 951 tàu cá, 2.234 thuyền viên, sản lượng khai thác đạt 22.657 tấn, mang lại giá trị 1.067 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo.

TIỀM NĂNG NGUỒN LỢI THỦY SẢN Ở CẦN GIỜ

Vào giữa năm 2019, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học đã tiến hành đánh giá hiện trạng nguồn lợi, khai thác nguồn lợi và đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý làm cơ sở cho các chính sách quản lý nguồn lợi thủy sản rừng ngập mặn ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 129 loài thuộc 89 giống, 42 họ, 13 bộ trong thành phần loài khai thác ở Cần Giờ. Cá tạp chiếm khoảng 40% trong sản lượng khai thác của các nghề khai thác. Ghi nhận được 35 họ nguồn giống thuộc 3 bộ và dưới bộ động vật giáp xác. Xác định được trứng cá của 6 họ thuộc 4 bộ, thành phần thuộc các nhóm cá nổi và cá đáy ven bờ, ưu thế là họ cá Trỏng (Engraulidae), cá Trích (Clupeidae). Cá bột có 23 họ được xác định, ưu thế thuộc về họ cá Bống (Gobiidae), cá Đèn lồng (Blennidae), cá Sơn biển (Ambassisidae), cá Cơm (Stolephorus), cá Trích (Clupeidae),…

Chất lượng nước tại Cần Giờ, theo nhóm nghiên cứu là tương đối thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên do nhiều tác động từ con người đã khiến một số yếu tố môi trướng nước biến đổi theo chiều hướng kém đi. Hoạt động khai thác hiện tại có tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản ở vùng rừng ngập mặn Cần Giờ. Tàu thuyền khai thác có công suất nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, ngư cụ khai thác có kích thước mắt lưới nhỏ. Đặc biệt là các nghề khai thác hủy diệt.

Trong những năm gần đây, Chính quyền TP.HCM và huyện Cần Giờ đã triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề, hướng dẫn ngư dân vận hành các thiết bị hiện đại trong khai thác và bảo quản sản phẩm; thường xuyên cập nhật dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến chủ phương tiện khai thác xa bờ. Theo đó, giảm dần, từ 10% - 20% tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ; khuyến khích phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ.

Thành phố cũng phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ thực hiện chuyển đổi nghề cào, te ven bờ mang tính lạm sát nguồn lợi thủy sản; phát triển mô hình cộng đồng quản lý nghề cá cho vùng biển ven bờ huyện Cần Giờ khi có hướng dẫn quy định về đồng quản lý, bảo tồn biển, ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Tổng cục Thủy sản. Chính quyền cũng tăng cường việc tuyên truyền, vận động ngư dân tổ chức khai thác thủy sản theo nghề phù hợp với trữ lượng và khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản; đồng thời khuyến khích phát triển khai thác hải sản xa bờ.