Tràn lan phân bón giả, khó quản
Do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán phân bón giả.
Tuy đã có nhiều văn bản, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nhưng tình hình phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Đó là nhận định tại Hội thảo “Thực trạng thị trường phân bón” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM.
Từ chỗ nhập khẩu gần 60%, nước ta đã chủ động được nguồn cung phân urê, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp; đồng thời sản xuất những loại phân bón mới như DAP, Kali... Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề quan tâm nhất là phân bón giả, kém chất lượng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán phân bón giả.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, tình hình vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như phân bón từ Trung Quốc. Đối tượng vi phạm là các cơ sở sản xuất- kinh doanh tư nhân, tư thương, buôn bán nhỏ lẻ, doanh nghiệp. Có những hộ nông dân mua tích trữ phân bón giá rẻ với số lượng lớn trong đó có hàng giả, rồi bán cho nông dân.
Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng địa hình biên giới để nhập lậu; dùng bao bì có màu sắc khác, ghi tiếng Anh đánh tráo bao bì gốc ghi tiếng Hoa để dễ vận chuyển, hợp thức hóa đơn, chứng từ đưa vào nội địa tiêu thụ... Thuê địa điểm sản xuất ở nơi khó kiểm soát, xa dân cư, nơi có sự quản lý của cơ quan chức năng còn mỏng để sản xuất phân bón kém chất lượng, trộn thêm gạch non, bột đá... Một số nơi sản xuất phân bón giả một số nhãn hiệu quen thuộc rồi thuê in bao bì, nhãn mác, thương hiệu không có hợp đồng, sổ sách.
Ông Lam cho biết, từ năm 2012 và 8 đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ, tổng tiền phạt là 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Trong đó, không ít vụ việc bị thu giữ với số lượng lớn. Chi cục Quản lý thị trường Hòa Bình kiểm tra và khởi tố vụ kinh doanh 36 tấn phân giả, Chi cục Yên Bái xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng...
Giải pháp chấn chỉnh thị trường
Đại diện Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chưa chấm dứt là do chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Còn kẽ hở trong quản lý phân bón như các văn bản pháp luật, các nghị định thiếu chặt chẽ; việc cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn.
Điều 158 Bộ luật Hình sự quy định hành vi sản xuất phân bón giả bị xử lý hình sự nếu người sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng lớn.
Mặt khác, cán bộ làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu về số lượng và chưa được bồi dưỡng thường xuyên kiến thức về hàng giả trong tình hình mới; việc giám định chất lượng phân bón gặp khó về kinh phí...
Để đấu tranh với thực trạng phân bón giả, kém chất lượng, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, cần thực hiện 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất là hoàn thiện về pháp lý như hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan chất lượng phân bón; hoàn thiện yêu cầu đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, coi phân bón là sản phẩm kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện văn bản liên quan đến kiểm soát, kiểm tra đối với sản xuất, kinh doanh phân bón....
Thứ hai là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và có sự phối hợp của các lực lượng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan.
Thứ ba là đẩy mạnh sản xuất phân bón của các doanh nghiệp lớn, có công nghệ tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; giảm thiểu sản xuất bằng công nghệ thô sơ, thủ công.
Thứ tư là tăng cường tuyên truyền như hướng dẫn nông dân lựa chọn phân bón, phổ biến pháp luật về sản xuất kinh doanh phân bón. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý phân bón, bổ sung quy định mới về phân công cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý phân bón.
Về điều kiện sản xuất phân bón, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón chỉ được đi vào hoạt động sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón. Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón mới được cấp phép.
Với quy định này, các tổ chức sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng; đồng thời loại bỏ những tổ chức yếu kém, hạn chế tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay.
Dự thảo cũng đưa ra quy định các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Về quản lý chất lượng phân bón, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón...
Tổng Thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị, các ngành công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp cần phối hợp mở chiến dịch tấn công ở những điểm nóng, truy quét quyết liệt những cơ sở, đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Từ chỗ nhập khẩu gần 60%, nước ta đã chủ động được nguồn cung phân urê, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nông nghiệp; đồng thời sản xuất những loại phân bón mới như DAP, Kali... Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề quan tâm nhất là phân bón giả, kém chất lượng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán phân bón giả.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, tình hình vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như phân bón từ Trung Quốc. Đối tượng vi phạm là các cơ sở sản xuất- kinh doanh tư nhân, tư thương, buôn bán nhỏ lẻ, doanh nghiệp. Có những hộ nông dân mua tích trữ phân bón giá rẻ với số lượng lớn trong đó có hàng giả, rồi bán cho nông dân.
Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng địa hình biên giới để nhập lậu; dùng bao bì có màu sắc khác, ghi tiếng Anh đánh tráo bao bì gốc ghi tiếng Hoa để dễ vận chuyển, hợp thức hóa đơn, chứng từ đưa vào nội địa tiêu thụ... Thuê địa điểm sản xuất ở nơi khó kiểm soát, xa dân cư, nơi có sự quản lý của cơ quan chức năng còn mỏng để sản xuất phân bón kém chất lượng, trộn thêm gạch non, bột đá... Một số nơi sản xuất phân bón giả một số nhãn hiệu quen thuộc rồi thuê in bao bì, nhãn mác, thương hiệu không có hợp đồng, sổ sách.
Ông Lam cho biết, từ năm 2012 và 8 đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ, tổng tiền phạt là 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Trong đó, không ít vụ việc bị thu giữ với số lượng lớn. Chi cục Quản lý thị trường Hòa Bình kiểm tra và khởi tố vụ kinh doanh 36 tấn phân giả, Chi cục Yên Bái xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng...
Giải pháp chấn chỉnh thị trường
Đại diện Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chưa chấm dứt là do chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Còn kẽ hở trong quản lý phân bón như các văn bản pháp luật, các nghị định thiếu chặt chẽ; việc cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn.
Điều 158 Bộ luật Hình sự quy định hành vi sản xuất phân bón giả bị xử lý hình sự nếu người sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng lớn.
Mặt khác, cán bộ làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu về số lượng và chưa được bồi dưỡng thường xuyên kiến thức về hàng giả trong tình hình mới; việc giám định chất lượng phân bón gặp khó về kinh phí...
Để đấu tranh với thực trạng phân bón giả, kém chất lượng, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, cần thực hiện 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất là hoàn thiện về pháp lý như hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan chất lượng phân bón; hoàn thiện yêu cầu đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, coi phân bón là sản phẩm kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện văn bản liên quan đến kiểm soát, kiểm tra đối với sản xuất, kinh doanh phân bón....
Thứ hai là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và có sự phối hợp của các lực lượng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan.
Thứ ba là đẩy mạnh sản xuất phân bón của các doanh nghiệp lớn, có công nghệ tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; giảm thiểu sản xuất bằng công nghệ thô sơ, thủ công.
Thứ tư là tăng cường tuyên truyền như hướng dẫn nông dân lựa chọn phân bón, phổ biến pháp luật về sản xuất kinh doanh phân bón. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý phân bón, bổ sung quy định mới về phân công cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý phân bón.
Về điều kiện sản xuất phân bón, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón chỉ được đi vào hoạt động sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón. Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón mới được cấp phép.
Với quy định này, các tổ chức sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng; đồng thời loại bỏ những tổ chức yếu kém, hạn chế tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay.
Dự thảo cũng đưa ra quy định các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Về quản lý chất lượng phân bón, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón...
Tổng Thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị, các ngành công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp cần phối hợp mở chiến dịch tấn công ở những điểm nóng, truy quét quyết liệt những cơ sở, đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)