11:31 20/07/2012

Trào lưu “thắt lưng buộc bụng” của vua chúa châu Âu

An Huy

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ, các hoàng tộc châu Âu đua nhau cắt giảm chi tiêu để thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ với người dân

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh được biết đến với tư cách là một trong những phụ nữ giàu có nhất thế giới nhờ sở hữu một một sưu tập vô giá các tác phẩm nghệ thuật, nữ trang và bất động sản.
Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh được biết đến với tư cách là một trong những phụ nữ giàu có nhất thế giới nhờ sở hữu một một sưu tập vô giá các tác phẩm nghệ thuật, nữ trang và bất động sản.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công khiến cả châu Âu phải điêu đứng, các hoàng tộc trong khu vực này cũng cắt giảm chi tiêu để thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ với người dân.

Công nương Letizia của Tây Ban Nha vốn rất đam mê thời trang của các nhà thiết kế tên tuổi, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của nước Anh có hẳn một bộ sưu tập xe Bently không tì viết, trong khi vua Albert II của Bỉ sở hữu một dinh thự lớn ở miền Nam nước Pháp. Tuy nhiên, theo báo USA Today của Mỹ, các ông hoàng bà chúa của châu Âu cũng đang cảm nhận rõ nét những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công và hạn chế bớt các khoản chi như một việc tất yếu phải làm.

Động thái “thắt lưng buộc bụng” mới nhất từ giới hoàng tộc châu Âu đến từ Tây Ban Nha, nơi vua Juan Carlos tự nguyện cắt giảm 7% lương của bản thân và con trai ông, thái tử Felipe. Quyết định giảm lương của nhà vua đưa ra sau khi ông vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận đối với chuyến đi săn voi tốn kém tới châu Phi cách đây ít lâu giữa lúc thần dân khốn đốn vì khủng hoảng.

Theo đó, lương của vua Juan Carlos năm nay sẽ giảm còn 272.000 Euro, tương đương 334.000 USD, trong khi con trai ông sẽ chỉ nhận được 131.000 Euro, tương đương 160.000 USD. Ngoài ra, các nhân vật hoàng gia khác như Hoàng hậu Sofia, Công nương Letizia, các công chúa Elena và Cristina cũng bị cắt giảm lương trong đợt này. Các nhân vật nữ trong hoàng tộc này không được nhận lương riêng mỗi người mà thay vào đó, khoản ngân sách chung cho chi tiêu của họ cũng sẽ bị cắt giảm 7%, còn 292.625 Euro.

Cách làm này của nhà vua được xem là hợp lý, vì mới tuần trước, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố một gói thắt chặt chi tiêu công mới, trong đó lương công chức nhà nước bị cắt giảm.

Ngân sách hoàng gia Tây Ban Nha khá eo hẹp so với ở các quốc gia khác. Năm nay, chi tiêu của hoàng gia nước này chỉ được gói gọn trong có 8,26 triệu Euro, giảm 2% so với năm ngoái. Sau khi vua Juan Carlos tự giảm lương thì khoản ngân sách tiếp tục co hẹp còn 8,16 triệu Euro.

Tuy nhiên, theo cách đánh giá của giới truyền thông Tây Ban Nha thì có vẻ như hoàng gia nước này vẫn chi tiêu quá nhiều. “Như vậy, 4 nhân vật nữ của hoàng gia sẽ có tổng cộng 292.625 USD một năm cho quần áo, giày dép, phụ kiện và làm tóc”. Ngoài ra, cũng mới chỉ từ năm ngoái, nhân viên làm việc cho cung điện hoàng gia Tây Ban Nha phải đi máy bay khoang bình dân.

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh được biết đến với tư cách là một trong những phụ nữ giàu có nhất thế giới nhờ sở hữu một một sưu tập vô giá các tác phẩm nghệ thuật, nữ trang và bất động sản. Trong những năm gần đây, nữ hoàng đã mở cửa một số khu vực của cung điện Buckingham cho du khách vào thăm, thu tiền bán vé. Giới chức cung điện hoàng gia Anh cho biết, họ đã đạt mục tiêu cắt giảm 25% ngân sách công sử dụng cho chi tiêu của hoàng gia.

Để đạt được mục tiêu này, nhân viên phục vụ trong hoàng gia không được tăng lương, trong khi nguồn thu nhập phát sinh từ các tài sản của hoàng gia phải tăng lên, và chi phí bảo trì các tài sản đó phải giảm xuống. Tuy nhiên, đội xe Bentley và những chiếc xe cổ khác của hoàng gia vẫn phải đảm bảo được độ “không tì vết” khi xuất hiện trước công chúng.

Mặc dù vậy, chi phí đi lại của hoàng gia Anh năm nay là một hạng mục khó cắt giảm, bởi nữ hoàng thường xuyên phải cử các nhân vật cấp cao như thái tử Charles, các hoàng tử Harry và William tới các vùng xa xôi của khối Thịnh vượng chung cho các hoạt động kỷ niệm 60 năm trị vì của nữ hoàng diễn ra mới đây.

Các con số chính thức cho thấy, người dân Anh đã phải chi 1,2 triệu Bảng (49,5 triệu USD) tiền thuế để “nuôi” hoàng gia trong năm 2011, thấp hơn 5,3% so với năm 2010. Phần lớn khoản tiết kiệm được là tiền cắt giảm từ chi phí bảo trì các cung điện hoàng gia từ mức 15,4 triệu Bảng (23,8 triệu USD) vào năm 2010 xuống còn 11,9 triệu Bảng (18,4 triệu USD) trong năm 2011.

Tại Hà Lan, nữ hoàng Beatrix, người sống trong một cung điện thuộc sở hữu quốc gia trong một khu rừng ven thành phố The Hague, được nhận mức lương 829.000 Euro/năm cộng thêm 4,314 triệu Euro tiền chi tiêu cá nhân. Ngân sách chung dành cho nữ hoàng Beatrix, Thái tử Willem Alexander và công nương Maxima trong năm 2011 là 39,2 triệu Euro, thấp hơn 422.000 Euro so với năm 2010 - theo công bố của website hoàng gia Hà Lan.

Phần lớn khoản tiết kiệm này là kết quả của việc cắt giảm chi phí đi lại cá nhân của các nhân vật hoàng gia. Nữ hoàng Beatrix cũng đã tự bỏ 163.000 Euro tiền túi để bảo dưỡng du thuyền các nhân có tên Groene Draeck.

Về phần mình, nhà vua Albert đệ nhị của Bỉ đã cam kết sẽ sử dụng một phần lương của bản thân trong năm nay vào việc bảo trì các tài sản của hoàng gia, theo đó giảm số tiền phải dùng từ ngân sách công.

Vào tháng 1 năm nay, trong một bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng, nhà vua này tuyên bố muốn đóng băng số tiền 10,8 triệu Euro (13,8 triệu USD) mà ông nhận được từ nhà nước. Bên cạnh đó, ông cũng muốn dùng khoản lương tự động đã tính tới yếu tố lạm phát 350.000 Euro (446.000 USD) của mình trong năm nay để chi trả cho việc bảo trì các tài sản hoàng gia - một khoản chi trước đây vẫn do Chính phủ Bỉ chịu trách nhiệm.

Khoản tiền nói trên không phải là lớn, nhưng động thái này của nhà vua Albert có thể làm giảm áp lực của dư luận đối với hoàng gia, nhất là sau khi hoàng gia Bỉ đòi Chính phủ trả lương phải tính cả lạm phát trong bất kỳ trường hợp nào.

Tuy nhiên, không phải hoàng gia nào ở châu Âu cũng phải cắt giảm chi tiêu. Nauy, nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Âu, không hề cắt giảm ngân sách hoàng gia. Đan Mạc và Thụy Điển cũng vậy. Các nước thuộc vùng Scandinavia này hầu như không chịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ. Tình hình tài chính công của các quốc gia này vẫn ổn vì chính phủ không “vung tay quá trán”. Chỉ có điều, kinh tế châu Âu đi xuống khiến nhu cầu của thị trường này đối với hàng hóa xuất khẩu của vùng Scandinavia suy giảm.