Triều Tiên bị siết trừng phạt, Mỹ-Trung sẽ thân mật trở lại?
Tuần trước, có vẻ như giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp xảy ra một vụ va chạm đến nơi
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nồng ấm trở lại, ít nhất là vào thời điểm này, sau khi Triều Tiên bị Liên hiệp quốc tăng cường trừng phạt vào cuối tuần vừa rồi - theo nhận định của hãng tin Bloomberg.
Tuần trước, có vẻ như giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp xảy ra một vụ va chạm đến nơi. Hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa liên tiếp của Triều Tiên chỉ trong vòng vài tuần đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp dùng những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter để chỉ trích Trung Quốc. Tiếp đó, xuất hiện những thông tin nói rằng chính quyền Trump đã sẵn sàng những biện pháp gây sức ép với Trung Quốc mà rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Hy vọng mới của Mỹ
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi một bước đột phá diễn ra tại Liên hiệp quốc vào ngày thứ Bảy. Sau vài tháng đàm phán ròng rã, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về lệnh trừng phạt mới khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên bị cắt giảm 1/3. Lệnh trừng phạt tăng cường được áp đối với một số công ty vào hàng lớn nhất của Triều Tiên và hạn chế số công dân Triều Tiên được ra nước ngoài làm việc ở mức hiện tại.
“Lệnh trừng phạt mới đưa ra cho chính quyền Trump một số hy vọng mới rằng họ có thể làm việc với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và thương mại”, theo ông Dennis Wilder, cựu Giám đốc cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận định. Ông Wilder đánh giá, động thái này “gần như chắc chắn” sẽ khiến Mỹ không áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc về Triều Tiên và thương mại, đồng thời Mỹ cũng có thể sẽ trì hoãn cuộc điều tra dự kiến về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc.
Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ tin tưởng rằng lệnh trừng phạt mới sẽ đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chiến lược phát triển tên lửa đạn đạn xuyên lục địa nhằm đạt tới khả năng tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho Triều Tiên, trong khi chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng đã đạt tới một cấp độ phát triển cao.
“Chỉ riêng lệnh trừng phạt mới có lẽ là không đủ để điều chỉnh hành vi của Triều Tiên”, ông Wilder nói. “Nhưng nếu Bắc Kinh âm thầm áp thêm lệnh trừng phạt đơn phương, chẳng hạn về xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên, thì nước này sẽ buộc phải xem xét lại những kế hoạch thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiếp theo”.
Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại chính của Triều Tiên - vẫn thường bị cáo buộc không tuân thủ đầy đủ các nghị quyết trừng phạt trước đây của Liên hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng. Sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ hai của Triều Tiên hôm 27/7, Mỹ đã gọi Trung Quốc và Nga là những nước “tạo điều kiện kinh tế” cho Triều Tiên.
Liên tục thăng trầm
Thời gian qua, Trung Quốc đã tìm cách giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhất là khi các quan chức Mỹ liên tục cảnh báo rằng Washington có thể dùng tới biện pháp quân sự để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ tham vọng tấn công đại lục Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh lo ngại rằng một cuộc chiến tranh ở Triều Tiên sẽ trở thành một nguy cơ chiến lược đối với Trung Quốc, bởi sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng tị nạn và sự xuất hiện của lính Mỹ ở ngay sát biên giới Trung Quốc.
Nếu được thực thi đầy đủ, biện pháp tăng cường trừng phạt được 100% thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí vào hôm thứ Bảy sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng của nước này bao gồm than, sắt, chì và hải sản.
Phát biểu tại Manila, Philippines vào ngày Chủ nhật, ông Vương Nghị nói rằng mục đích của lệnh trừng phạt mới này là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Ngoại trưởng Trung Quốc đã có các cuộc gặp riêng với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, kêu gọi cả hai bên nỗ lực để giảm căng thẳng.
Trong khi đó, Nhật Bản nói rằng giờ là lúc gia tăng “sức ép có hiệu quả”, thay vì đàm phán với Bình Nhưỡng. “Giờ không phải là lúc đàm phán, mà là lúc gia tăng sức ép có hiệu quả đối với Triều Tiên để họ phải có động thái rõ ràng tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshihide Ando phát biểu tại một cuộc họp báo ở Manila.
Đối với Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lệnh trừng phạt mới của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên đánh dấu một thay đổi mới, diễn ra rất nhanh chóng trong mối quan hệ liên tục thăng trầm giữa họ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, ông Trump đã thường xuyên chỉ trích Trung Quốc đánh cắp việc làm của ngành sản xuất Mỹ. Sau cuộc gặp với ông Tập ở Florida hồi tháng 4, ông Trump nói hai người “tâm đầu ý hợp”. Hồi tháng 6, ông Trump nói Trung Quốc đã thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên. Vài tuần sau, ông lại cho biết đã có một cuộc gặp “tuyệt vời” với ông Tập ở Đức. Tiếp đó, trong một dòng tweet hôm 30/7 vừa rồi, Tổng thống Mỹ lại cáo buộc Trung Quốc “chẳng làm gì sất” về vấn đề Triều Tiên.
“Chính quyền Trump đã thể hiện rõ rằng luôn có sự đánh đổi giữa vấn đề thương mại và vấn đề Triều Tiên”, giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul nhận định. “Có vẻ như Tổng thống Trump sẽ vui với Chủ tịch Tập vào lúc này, nhưng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau vài tuần nữa ông ấy là có một dòng tweet bày tỏ sự thất vọng”.
Tuần trước, có vẻ như giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp xảy ra một vụ va chạm đến nơi. Hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa liên tiếp của Triều Tiên chỉ trong vòng vài tuần đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp dùng những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter để chỉ trích Trung Quốc. Tiếp đó, xuất hiện những thông tin nói rằng chính quyền Trump đã sẵn sàng những biện pháp gây sức ép với Trung Quốc mà rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Hy vọng mới của Mỹ
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi một bước đột phá diễn ra tại Liên hiệp quốc vào ngày thứ Bảy. Sau vài tháng đàm phán ròng rã, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về lệnh trừng phạt mới khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên bị cắt giảm 1/3. Lệnh trừng phạt tăng cường được áp đối với một số công ty vào hàng lớn nhất của Triều Tiên và hạn chế số công dân Triều Tiên được ra nước ngoài làm việc ở mức hiện tại.
“Lệnh trừng phạt mới đưa ra cho chính quyền Trump một số hy vọng mới rằng họ có thể làm việc với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và thương mại”, theo ông Dennis Wilder, cựu Giám đốc cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận định. Ông Wilder đánh giá, động thái này “gần như chắc chắn” sẽ khiến Mỹ không áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc về Triều Tiên và thương mại, đồng thời Mỹ cũng có thể sẽ trì hoãn cuộc điều tra dự kiến về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc.
Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ tin tưởng rằng lệnh trừng phạt mới sẽ đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chiến lược phát triển tên lửa đạn đạn xuyên lục địa nhằm đạt tới khả năng tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho Triều Tiên, trong khi chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng đã đạt tới một cấp độ phát triển cao.
“Chỉ riêng lệnh trừng phạt mới có lẽ là không đủ để điều chỉnh hành vi của Triều Tiên”, ông Wilder nói. “Nhưng nếu Bắc Kinh âm thầm áp thêm lệnh trừng phạt đơn phương, chẳng hạn về xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên, thì nước này sẽ buộc phải xem xét lại những kế hoạch thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiếp theo”.
Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại chính của Triều Tiên - vẫn thường bị cáo buộc không tuân thủ đầy đủ các nghị quyết trừng phạt trước đây của Liên hiệp quốc đối với Bình Nhưỡng. Sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ hai của Triều Tiên hôm 27/7, Mỹ đã gọi Trung Quốc và Nga là những nước “tạo điều kiện kinh tế” cho Triều Tiên.
Liên tục thăng trầm
Thời gian qua, Trung Quốc đã tìm cách giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhất là khi các quan chức Mỹ liên tục cảnh báo rằng Washington có thể dùng tới biện pháp quân sự để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ tham vọng tấn công đại lục Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh lo ngại rằng một cuộc chiến tranh ở Triều Tiên sẽ trở thành một nguy cơ chiến lược đối với Trung Quốc, bởi sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng tị nạn và sự xuất hiện của lính Mỹ ở ngay sát biên giới Trung Quốc.
Nếu được thực thi đầy đủ, biện pháp tăng cường trừng phạt được 100% thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí vào hôm thứ Bảy sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng của nước này bao gồm than, sắt, chì và hải sản.
Phát biểu tại Manila, Philippines vào ngày Chủ nhật, ông Vương Nghị nói rằng mục đích của lệnh trừng phạt mới này là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Ngoại trưởng Trung Quốc đã có các cuộc gặp riêng với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, kêu gọi cả hai bên nỗ lực để giảm căng thẳng.
Trong khi đó, Nhật Bản nói rằng giờ là lúc gia tăng “sức ép có hiệu quả”, thay vì đàm phán với Bình Nhưỡng. “Giờ không phải là lúc đàm phán, mà là lúc gia tăng sức ép có hiệu quả đối với Triều Tiên để họ phải có động thái rõ ràng tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshihide Ando phát biểu tại một cuộc họp báo ở Manila.
Đối với Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lệnh trừng phạt mới của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên đánh dấu một thay đổi mới, diễn ra rất nhanh chóng trong mối quan hệ liên tục thăng trầm giữa họ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, ông Trump đã thường xuyên chỉ trích Trung Quốc đánh cắp việc làm của ngành sản xuất Mỹ. Sau cuộc gặp với ông Tập ở Florida hồi tháng 4, ông Trump nói hai người “tâm đầu ý hợp”. Hồi tháng 6, ông Trump nói Trung Quốc đã thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên. Vài tuần sau, ông lại cho biết đã có một cuộc gặp “tuyệt vời” với ông Tập ở Đức. Tiếp đó, trong một dòng tweet hôm 30/7 vừa rồi, Tổng thống Mỹ lại cáo buộc Trung Quốc “chẳng làm gì sất” về vấn đề Triều Tiên.
“Chính quyền Trump đã thể hiện rõ rằng luôn có sự đánh đổi giữa vấn đề thương mại và vấn đề Triều Tiên”, giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul nhận định. “Có vẻ như Tổng thống Trump sẽ vui với Chủ tịch Tập vào lúc này, nhưng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau vài tuần nữa ông ấy là có một dòng tweet bày tỏ sự thất vọng”.