Triều Tiên phóng tên lửa rơi xuống gần Nhật Bản
Giới chuyên gia cảnh báo thủ đô Washington của Mỹ giờ đây có thể đã nằm trong tầm tấn công của vũ khí Triều Tiên
Triều Tiên sáng 29/11 phóng một quả tên lửa nghi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống gần lãnh thổ Nhật Bản. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng thủ đô Washington của Mỹ giờ đây có thể đã nằm trong tầm tấn công của vũ khí Triều Tiên.
Theo tin từ Reuters, đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ giữa tháng 9, và diễn ra 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa nước này vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Quân đội Hàn Quốc nói quả tên lửa - được Triều Tiên phóng đi với góc lớn so với phương nằm ngang - đã đạt độ cao khoảng 4.500 km và bay 960 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Lầu Năm Góc nói giới chức Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều chung quan điểm đây nhiều khả năng là một ICBM nhưng không đặt ra nguy cơ nào đối với nước Mỹ, lãnh thổ Mỹ hay các đồng minh của Washington.
"Quả tên lửa bay cao hơn so với những lần phóng trước của Triều Tiên. Đây là một nỗ lực nghiên cứu và phát triển của Triều Tiên nhằm tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa bất kỳ nơi đâu trên thế giới", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng.
Ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Ba nhà lãnh đạo cùng tái khẳng định cam kết chống lại nguy cơ từ Triều Tiên.
"Đây là một tình thế mà chúng tôi sẽ xử lý", ông Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ đã được báo tin về vụ phóng khi quả tên lửa còn đang bay. Ông nói vụ phóng này không làm thay đổi chiến lược của chính quyền ông đối với Triều Tiên, bao gồm những biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Đến nay, Mỹ vẫn tuyên bố rằng mọi lựa chọn, bao gồm lựa chọn quân sự, đều được đưa ra cân nhắc trong vấn đề Triều Tiên, nhưng Mỹ mong muốn tìm ra một giải pháp hòa bình để Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí.
"Giải pháp ngoại giao vẫn là khả năng để ngỏ, vào lúc này", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp vào ngày 29/11 để bàn về vụ phóng tên lửa vừa diễn ra của Triều Tiên.
Một quan chức thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói Seoul cho rằng tên lửa được phóng sáng ngày thứ Tư là một quả Hwasong-14, loại ICBM hai giai đoạn mà Triều Tiên từng phóng thử hai lần vào tháng 7 năm nay. Giới chức Nhật nói quả tên lửa đã bay trong 53 phút trước khi nổ và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật.
Tổ chức Union of Concered Scientists đánh giá rằng với góc phóng chuẩn, quả tên lửa trên có thể bay hơn 13.000 km, đủ khả năng vươn tới Washington DC hay thậm chí bất kỳ phần nào của đại lục Mỹ. Tuy nhiên, do không rõ trọng lượng mà quả tên lửa mang theo là bao nhiêu, nên các nhà nghiên cứu không thể chắc chắn quả tên lửa có mang được một đầu đạn hạn nhân để tấn công vào Mỹ hay không.
Mặc dù vậy, các chuyên gia tin Triều Tiên sẽ sớm đạt được khả năng tấn công đại lục Mỹ bằng tên lửa, nếu Bình Nhưỡng chưa có khả năng đó vào lúc này.
Vài phút sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc thử bắn hạ tên lửa.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa về phía Nhật Bản trong năm nay. Trước đó, Bình Nhưỡng đã có 2 lần phóng thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật, khiến giới chức và người dân Nhật lo ngại.