Trung Quốc muốn Mỹ-Trung cùng nhượng bộ trong đàm phán thương mại
Giới chức Trung Quốc đưa ra quan điểm của nước này trước cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump ở thượng đỉnh G20
Cả Trung Quốc và Mỹ đều nên nhượng bộ trong cuộc đàm phán thương mại song phương - Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen phát biểu ngày 24/6, chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.
Tuần trước, Trung Quốc và Mỹ cho biết đang chuẩn bị cho việc nối lại đàm phán trước khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28-29/6. Thị trường tài chính toàn cầu đang đặt kỳ vọng cuộc gặp sẽ giúp xuống thang cuộc chiến thương mại căng thẳng vốn là đám mây đen phủ bỏ lên nền kinh tế toàn cầu trong hơn 1 năm qua.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung "tê liệt" từ tháng 5, sau khi giới chức Mỹ tố Trung Quốc rút lui khỏi các cam kết đã đưa ra trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo về thượng đỉnh G20, ông Wang - một thành viên đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ - nói rằng các cuộc trao đổi giữa hai bên đã được nối lại, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
Ông Wang nói Trung Quốc có các nguyên tắc rõ ràng, bao gồm tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, và gặp nhau ở điểm giữa.
"Tôn trọng lẫn nhau đồng nghĩa mỗi bên đều phải tôn trọng chủ quyền của nhau", ông Wang nhấn mạnh. "Bình đẳng và đôi bên cùng có lợi có nghĩa là việc tham vấn phải diễn ra trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận đạt được phải mang lại lợi ích cho cả hai phía".
"Gặp nhau ở điểm giữa đồng nghĩa với việc hai bên đều phải nhượng bộ, chứ không phải chỉ một bên nhượng bộ", ông Wang nói.
Cũng tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jun nói rằng các nhà đàm phán Trung-Mỹ đang thực hiện công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump, nhưng không nói cụ thể hơn.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một cuộc chiến thương mại "hao tài tốn của", mà trong đó hai bên đều đã áp thuế mạnh tay lên hàng hóa của nhau. Trung Quốc đã thề sẽ không lùi bước trong những vấn đề mang tính nguyên tắc cho dù Mỹ có gây áp lực ra sao.
Ông Trump hiện đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và dọa sẽ áp thuế lên thêm 325 tỷ USD hàng hóa nữa, đồng nghĩa với gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm đều bị áp thuế.
Ông Wang nói rằng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đã gây tổn hại lớn cho thương mại toàn cầu và đặt ra nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Phó thống đốc Chen Yulu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cảnh báo rằng rủi ro kinh tế tài chính toàn cầu đang tăng lên mạnh mẽ.
"Những dấu hiệu của sự đảo ngược chính sách tiền tệ ở các nước phát triển lớn đang trở nên rõ ràng hơn", ông Chen nói tại cuộc họp báo. "Nhưng dư địa chính sách ở nhiều nước sau khủng hoảng tài chính đã giảm xuống, và dư địa để ứng phó với một đợt giảm tốc tăng trưởng kinh tế mạnh là hạn chế".
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 7 để ứng phó với rủi ro suy giảm tăng trưởng. Các nhà phân tích cũng nói rằng PBoC đang chịu sức ép lớn phải nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc.
Một vấn đề khác được nêu tại cuộc họp báo là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.
Theo ông Wang, trong cuộc điện đàm mới đây với ông Trump, ông Tập đã bày tỏ hy vọng Mỹ có thể đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc. "Chúng tôi hy vọng phía Mỹ có thể dỡ bỏ các biện pháp đơn phương, không phù hợp chống lại doanh nghiệp Trung Quốc, theo tinh thần thương mại tự do và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".