18:10 28/09/2014

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Nguyễn Lê

Chính phủ nói về ảnh hưởng của tình hình biển Đông đến xuất nhập khẩu

Tại một cửa khẩu ở Lạng Sơn. 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của của Việt Nam.
Tại một cửa khẩu ở Lạng Sơn. 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của của Việt Nam.
Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chiều 28/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 5,54%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm trước, ước cả năm 2014 đạt 5,8%.

Chính phủ cũng dự kiến ước thực hiện cả năm CPI đạt từ 4,5 đến 4,7%.

12/14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch 2014 có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, ông Dũng cho hay.

Đánh giá chung, Chính phủ nhấn mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh ở người tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất

Nhìn lại tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm 2014 đến nay, Chính phủ dành gần một trang nói về ảnh hưởng của tình hình biển Đông đến xuất nhập khẩu.

Theo đó, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khoảng 16% và chiếm tỷ trọng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng trên 16% và chiếm tỷ trọng trên 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Chính phủ đánh giá, tính đến nay, quan hệ thương mại nói chung với thị trường Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi diễn biến tình hình biển Đông. Mức tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Riêng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay cao hơn mức tăng trưởng 7% của năm 2013, báo cáo nêu.

Mục tiêu GDP 2015 tăng khoảng 6,2%

GDP tăng khoảng 6,2%, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5% , bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%... là những chỉ tiêu chủ yếu được dự kiến tại báo cáo của Chính phủ cho 2015.

Chính phủ cũng đã dự kiến khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 với GDP ước thực hiện 5 năm là 5,7%, không đạt kế hoạch 6,5 - 7%.

Cũng không về đích là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, ước thực hiện 30,1% (kế hoạch là 33,3 – 34,8%).

Riêng CPI được dự báo có thể vượt kế hoạch khi đạt 5% so với chỉ tiêu từ 5 -7% của kế hoạch 5 năm.

Về một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2015, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối ngân sách 901,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2014.

Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năm sau khoảng 1.241,1 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 27,7% GDP. Nhập siêu dự kiến khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại năm 2015 (tính theo giá FOB) dự kiến thặng dư khoảng 4 tỷ USD, cán cân vãng lai thặng dư 4,8 tỷ USD, cán cân tài chính thặng dư 5,3 tỷ USD.

Sau khi loại bỏ yếu tố lỗi và sai sót, dự báo cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư hơn khoảng 8 tỷ USD, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.