11:17 03/07/2014

Thương mại Việt - Trung: Một khi đã “chơi” bài toán hội nhập

Yến Thanh

Quan hệ kinh tế hiện nay không còn là quan hệ song phương mà là đa phương

Chuyên gia lo ngại việc giao thầu quá nhiều cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tương lai.<br>
Chuyên gia lo ngại việc giao thầu quá nhiều cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tương lai.<br>
Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam hôm nay (3/7) đã ngồi lại cùng nhau trong hội thảo chuyên đề có tên “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, với các kiến giải về điều hành kinh tế trong bối cảnh tình hình biển Đông căng thẳng như hiện nay.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới tương thuộc là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển.

Nhưng trong quá trình đó, có nhiều biến số trong đó mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là rất quan trọng.

“Tự chủ theo nghĩa lớn thì ta hoàn toàn tự chủ, có thể đóng cửa, mở cửa. Nhưng một khi đã “chơi” bài toán hội nhập thì quyền này đã bị thu hẹp, những gì đã cam kết thì phải làm. Hội nhập chắc chắn có rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập, không hội nhập thì không có nguồn lực để bảo vệ độc lập chủ quyền”, ông Thành nói.

Những rủi ro mà chuyên gia này đề cập là với việc tham gia WTO và các hiệp định thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối diện chống bán phá giá. Rủi ro tài chính cũng đã tới khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt vào năm 2008, hoặc khi xuất khẩu vào thị trường suy thoái khiến cầu giảm.

Tình hình biển Đông hiện nay, theo ông Thành cũng là một dạng rủi ro, vì Trung Quốc đã là một mắt xích quan trọng của thế giới trong khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới.

Theo ông Thành, Trung Quốc hiện nay là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và hấp dẫn, đến mức “không thể không chơi”.

Đáng chú ý là Trung Quốc hiện nay chưa đạt đến trình độ phát triển của các nước phát triển, nhưng cũng không muốn chấp nhận luật chơi mà các nước phát triển đề ra. Trong khi đó, thế giới muốn Trung Quốc phát triển một cách văn minh, đóng vai trò nước lớn, đàng hoàng, nhưng đồng thời cũng rất lo ngại chính sách bá quyền của nước này.

Vẫn theo ông Thành, quan hệ kinh tế hiện tại “là khá sâu”, và mặc dù Trung Quốc “bắt đầu có những trò không đẹp đẽ, nhưng không chắc là sẽ gây hấn ồ ạt, chẳng hạn cắt 100% thương mại song phương”.

Lý do là quan hệ kinh tế hiện nay không còn là quan hệ song phương mà là đa phương, 60% nhập khẩu từ Trung Quốc lại là từ các nước khác, đăc biệt linh kiện. Lợi ích của Trung Quốc từ việc xuất khẩu vào Việt Nam, với giả định mức lãi 10%, cũng đã góp phần giải quyết lượng việc làm lớn cho người dân nước này.

Mặt khác, Trung Quốc không dễ xóa bỏ các hiệp định, cam kết quốc tế; trong khi bản thân nước này phải giữ hình ảnh với thế giới khi chính họ cũng đang phụ thuộc thế giới, nếu hình ảnh xấu đi thì sẽ thiệt hại nhiều hơn.

“Việt Nam hiện đang đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập sâu rộng, đây là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình này. Chúng ta cần đấu tranh cả về pháp lý nhưng đồng thời cũng cần linh hoạt chuyển hướng trên thị trường quốc tế, chủ động tìm nguồn cung và thị trường xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là hiệp định Việt Nam-EU và TPP”, ông Thành nói.

“Phải thấy đây là câu chuyện của nhiều nước, nhiều tập đoàn đa quốc gia. Về phía Việt Nam, cần cơ chế giám sát chặt chẽ tình hình để có phản ứng nhanh. Các sự cố tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh cho thấy chúng ta cần cơ chế phản ứng nhanh trong điều kiện có các cú sốc, cần ứng xử nhanh chóng và có hiệu lực”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, quá trình chủ động hội nhập trong thời gian qua là một lợi thế trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Nhờ quá trình này, Việt Nam đã củng cố được nội lực và đưa nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, ông Doanh khẳng định, Việt Nam “đang có và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc với tư cách nền kinh tế thứ hai và là công xưởng của thế giới”. “Vị trí ngay cạnh Trung Quốc là một lợi thế về địa chính trị, phải tận dụng cái đó, thay vì than phiền rằng hàng xóm chơi xấu”, ông Doanh nói.

Để thực sự độc lập tự chủ, trong cuộc chơi kinh tế với thế giới, Việt Nam cần phải giữ chữ tín, tạo niềm tin. Dẫn câu chuyện một công ty Nhật Bản chỉ 60 người nhưng làm linh kiện bán cho Airbus và Boeing khiến các hãng này phải phụ thuộc, ông Doanh nói điều quan trọng là khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế cần đạt được phải là năng lực khoa học - công nghệ.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Doanh nói tính phụ thuộc lẫn nhau là rất đáng chú ý. Chẳng hạn, 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang xuất sang ba tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể ép giá, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khi không nhập nữa.

Nếu nhìn rộng ra, năm 2013, Samsung Vietnam xuất khẩu ra thế giới hơn 23 tỷ USD, nhưng Trung Quốc cũng nhập khẩu 21 tỷ USD từ Samsung toàn cầu, nếu không nhập nữa thì sẽ ứng xử thế nào với Samsung?

“Không nên than phiền, hãy nhìn thấy cơ hội trong đó, phải tận dụng. Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết các vấn đề trước mắt, chẳng hạn chênh lệch tới hơn 5 tỷ USD mỗi chiều trong báo cáo thương mại của hai nước, bản chất là nhập lậu và xuất lậu, vì sao Nhà nước không quản lý được?”, ông Doanh nêu vấn đề.

Tương tự, sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc trong hàng loạt dự án lớn và quan trọng của Việt Nam cũng đem lại mối lo ngại về chất lượng và tiến độ. “Trung Quốc là bậc thầy về “lại quả”, ông Doanh nhận xét, hàm ý rằng quá trình cấp phép, giao thầu các dự án quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó.

“Không có cách tự chủ nào khác là chúng ta phải tự cải cách và mạnh lên”, ông Doanh khẳng định.

Đi sâu phân tích các số liệu kinh tế hiện nay, bà Phạm Chi Lan lo ngại rằng quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam hiện nay quá sâu, nhưng lại “không bình thường”.

Theo bà Lan, yếu tố chính trị hiện chi phối nhiều đến quyết định kinh tế, nhiều thương vụ lớn, hệ trọng được thực hiện trong bối cảnh lợi ích nhóm, nguy cơ tham nhũng vẫn còn hiển hiện.

Nhiều quyết định kinh tế hiện nay, theo bà Lan, là chưa theo quy trình ban hành chuẩn mực, trong khi những phức tạp, nguy hại về quản lý nhà nước, an ninh kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng thì khó lường hết được.

Tình trạng này thực sự là thử thách lớn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế trong thời gian tới, trong bối cảnh biển Đông đang căng thẳng hiện nay.