Trung Quốc trả lại “êm đẹp” thiết bị lặn cho Mỹ
Ông Trump đã chỉ trích mạnh việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn Mỹ
Trung Quốc đã trả lại một thiết bị lặn không người lái của Mỹ mà lực lượng của nước này “thu giữ” trên biển Đông tuần trước.
Đây được xem là một động thái có thể xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, sau sự phản đối của Nhà Trắng và những dòng trạng thái (tweet) chỉ trích của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Twitter.
Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thiết bị lặn này đã được trả lại “êm đẹp” cho Mỹ vào buổi trưa ngày thứ Ba (20/12) tại “vùng biển phù hợp” trên biển Đông.
Theo cơ quan này, việc trao trả lại thiết bị lặn cho Mỹ diễn ra sau “những cuộc đàm phán thân thiện” giữa quân đội hai nước.
Không có thông tin gì về việc thiết bị lặn được phía Trung Quốc trả lại cho Mỹ trong tình trạng như thế nào.
Trước đó, hãng tin Fox News nói rằng việc trao trả diễn ra gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông, gần nơi con tàu bị bắt giữ. Một tàu Hải quân Mỹ, có khả năng là một khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường, được dự đoán là sẽ có mặt để nhận lại thiết bị, theo Fox News.
“Vụ việc này là một tín hiệu cảnh báo quan trọng về việc mối quan hệ Trung-Mỹ có thể dễ dàng xấu đi như thế nào”, ông Zhu Feng, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu về biển Đông thuộc Đại học Nam Ninh, nhận xét. “Vụ này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các kênh đối thoại và tham vấn cởi mở”.
Cuối tuần vừa rồi, ông Trump đã chỉ trích mạnh việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn Mỹ. Tổng thống đắc cử Mỹ tố Trung Quốc đã “đánh cắp”, và gọi đây là “hành động chưa từng có tiền lệ”.
Ông còn viết trên Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không cần lấy lại thiết bị lặn mà họ đã đánh cắp. Hãy để họ giữ nó!”.
Lầu Năm Góc nói một tàu Trung Quốc đã “chiếm giữ bất hợp pháp” thiết bị lặn của Mỹ, khi tàu USNS Bowditch của Mỹ đang đón thiết bị này ở khu vực cách vịnh Subic của Philippines chừng 50 hải lý.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ “thu giữ” thiết bị này vì “lý do an toàn”, đồng thời chỉ trích rằng các hoạt động do thám của Mỹ trên biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với khoảng 90% diện tích - gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai nước.
“Biển Đông có vẻ như tiếp tục là một vấn đề căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, và bởi vậy đây là một thách thức nữa đối với chính quyền Trump, sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1”, ông Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND Corp. nhận xét.