14:26 06/05/2024

Bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Nga đang xoay sở thế nào?

Hoài Thu

Theo một số quan chức cấp cao phương Tây và nhà tài chính Nga, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào hệ thống tài chính Nga đang khiến việc chuyển tiền ra vào nước này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết...

Ảnh minh họa: REUTERS
Ảnh minh họa: REUTERS

Dữ liệu cho thấy lượng giao dịch thương mại giữa Nga và các đối tác chính như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong quý 1/2024 giảm mạnh sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt với các ngân hàng quốc tế giúp Nga mua bán hàng hóa dùng cho cuộc chiến ở Ukraine.

Một sắc lệnh của Mỹ, có hiệu lực vào cuối năm ngoái, đã khiến các ngân hàng trên thế giới ngừng giao dịch với các đối tác Nga – tờ báo Financial Times dẫn nguồn từ một số quan chức phương Tây và 3 nhà tài chính cấp cao Nga.

"VỀ CƠ BẢN KHÔNG THỂ LÀM GÌ TRONG 6 THÁNG QUA"

“Nga ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cần thiết để nhập khẩu các loại hàng hóa này”, bà Anna Morris, phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề toàn cầu tại Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét khi nói về hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho chiến tranh. “Mục tiêu rõ ràng của chúng tôi là cản trở hơn nữa dòng tiền ra vào Nga, làm tăng chi phí giao dịch của các thực thể Nga trong hệ thống. Một kết quả quan trọng của việc này là gây ra sự gián đoạn”.

Để “lách” các biện pháp trừng phạt giờ đây cần đến một mạng lưới trung gian lớn hơn, kể cả với những giao dịch hàng hóa không liên quan tới cuộc chiến, trong khi đó chi phí chuyển đổi tiền tệ và phí hoa hồng tăng lên.

“Mỗi tháng trôi qua, tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Một tháng thì gặp khó khăn với đồng USD, tháng khác thì với đồng euro. Trong vòng 6 tháng qua, về cơ bản chúng tôi không thể làm bất kỳ việc gì”, một nhà đầu tư Nga chia sẻ.

Một cơ sở sản xuất máy bay chiến đấu ở Nga. Nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến chiến tranh của Nga từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh do các ngân hàng tránh thực hiện các giao dịch này - Ảnh: Reuters
Một cơ sở sản xuất máy bay chiến đấu ở Nga. Nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến chiến tranh của Nga từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh do các ngân hàng tránh thực hiện các giao dịch này - Ảnh: Reuters

Sắc lệnh của Mỹ nhắm vào giới ngân hàng tại các quốc gia ghi nhận hoạt động giao dịch thương mại với Nga tăng mạnh sau khi phương Tây áp đặt loạt biện pháp trừng phạt chưa thấy đối với Nga để phản ứng với cuộc chiến Nga-Ukraine hơn 2 năm trước.

Xuất khẩu các hàng hóa “ưu tiên cao” của Thổ Nhĩ Kỳ – chủ yếu dùng cho mục đích dân sự nhưng được xác định là có vai trò quan trọng với cuộc chiến như con chip – sang Nga và 5 nước thuộc Liên Xô cũ tăng mạnh sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Theo trang theo dõi dữ liệu thương mại Trade Data Monitor, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga và 5 nước trên đạt 586 triệu USD trong năm 2023, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước khi cuộc chiến nổ ra.

 

"Mỹ thực sự có quyền lực trong lĩnh vực tài chính. Washington có thể xác định được một tổ chức đang có hành vi sai trái, kể cả là một ngân hàng siêu nhỏ, và xác định được tổ chức đó có hoạt động liên quan tới đồng USD hay không. Vì vậy, lệnh cấm của Mỹ khiến các ngân hàng lo sợ".

Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE)

Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga và 5 nước trên giảm hơn 30% so với cùng năm trước, xuống còn 2,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch hàng “ưu tiên cao” giảm 40% so với quý trước xuống còn 93 triệu USD. 

Theo một số quan chức và chuyên gia của Mỹ, điều này cho thấy tác động của sắc lệnh trên. Sự sụt giảm mạnh bắt nguồn từ việc các nhà băng e ngại vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ có thể trừng phạt các nhà băng với các quy định trừng phạt mở rộng, tức áp dụng với cả các bên thứ ba, nếu nghi ngờ họ giao dịch với các doanh nghiệp nằm trong diện bị cấm vì có liên quan tới cuộc chiến của Nga.

“Mỹ thực sự có quyền lực trong lĩnh vực tài chính”, bà Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), nhận xét. “Washington có thể xác định được một tổ chức đang có hành vi sai trái, kể cả là một ngân hàng siêu nhỏ, và xác định được tổ chức đó có hoạt động liên quan tới đồng USD hay không. Vì vậy, lệnh cấm của Mỹ khiến các ngân hàng lo sợ”.

Do đó, các ngân hàng thường chọn ngừng hoàn toàn các giao dịch với Moscow thay vì vi phạm biện pháp trừng phạt của Mỹ. Điều này khiến các doanh nghiệp Nga tìm tới các ngân hàng nhỏ và sử dụng loại tiền tệ khác thay cho USD, trong bối cảnh các ngân hàng lớn tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số đối tác khác quay lưng.

Tỷ phú Vladimir Potanin, người đứng đầu tập đoàn khai khoáng Norilsk Nickel của Nga, gần đây cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến doanh thu của công ty giảm ít nhất 15% kể từ năm 2022 đến nay, một phần bởi chi phí trung gian cho các giao dịch xuất khẩu tăng 5-7%.

SỚM MUỘN CŨNG TÌM ĐƯỢC PHƯƠNG THỨC MỚI ĐỂ "LÁCH" TRỪNG PHẠT

Tuy nhiên, khác với giới ngân hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Nga, bao gồm các các mặt hàng bị hạn chế, ít bị ảnh hưởng hơn bởi các biện pháp trừng phạt – theo nhận định của bà Jane Shvets, một chuyên gia về trừng phạt tại hãng luật Mỹ Debevoise & Plimpton.

“Việc các tổ chức tài chính lớn rút lui đã gây gián đoạn cho hoạt động thương mại giữa Nga và các đối tác, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các hoạt động này sẽ phục hồi khi ngày càng nhiều phương án ‘lách luật’ hơn xuất hiện”, bà nói.

“Trên thế giới có vô số ngân hàng, sớm muộn gì các thực thể Nga cũng sẽ tìm được cách thức mới để lách trừng phạt”, ông Matis Mäeker, Giám đốc cơ quan tình báo tài chính của Estonia, nhận xét.

Trên thực tế, hiện tại, các nhà xuất nhập khẩu của Nga đang tăng giao dịch hàng hóa bằng đồng rúp khi không thể dùng đồng USD và euro. Các doanh nghiệp nhập khẩu dầu Nga ở Ấn Độ hiện cũng đang giao dịch bằng rúp.

“Đây là một lỗ hổng của các biện pháp trừng phạt”, một cựu quan chức ngân hàng Nga, cho biết. “Các thực thể nước ngoài vẫn được phép mua rúp trên sàn giao dịch ngoại hối Moscow Exchange để dùng cho việc thanh toán với các đối tác Nga. Các giao dịch này có thể được xử lý một cách dễ dàng khi mà các ngân hàng nước ngoài có thể mở tài khoản bằng đồng rúp tại chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng Nga”.

Vào đầu tháng 4, Bank of Georgia, có trụ ở tại London (Anh), thông báo với các khách hàng có giao dịch với Nga trong các ngành gồm “công nghệ, xây dựng, công nghiệp và hàng không” rằng họ chỉ có thể thực hiện giao dịch bằng đồng rúp.

“Sự thay đổi này được đưa ra nhằm tuân thủ quy định của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), thuộc Bộ Tài chính Mỹ”, Financial Times dẫn thông báo của Bank of Georgia cho biết.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), giao dịch thanh toán xuyên biên giới của Nga được thực hiện bằng đồng rúp ngày càng tăng, trong khi giao dịch bằng đồng nội tệ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) giảm xuống. Trước khi cuộc chiến nổ ra năm 2022, chưa tới 15% giao dịch xuất khẩu của Nga được thực hiện bằng đồng rúp. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên 40% vào tháng 2 năm nay, sự gia tăng mạnh nhất được ghi nhận sau khi sắc lệnh của Mỹ được ban hành.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ các giao dịch nhập khẩu bằng đồng rúp của Nga cũng tăng lên khoảng 40%, so với mức 30% trước chiến tranh.

Dù vậy, khả năng chuyển đổi hạn chế của đồng rúp khiến các ngân hàng và đối tác của Nga khó bù đắp lượng giao dịch thương mại lẽ ra có được khi sử dụng đồng USD hoặc các đồng tiền phương Tây khác.