Trung Quốc trước áp lực ngày càng lớn phải đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ
Thương mại của Trung Quốc sụt mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2018, đặt ra sức ép ngày càng lớn
Thương mại của Trung Quốc sụt mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2018, đặt ra sức ép ngày càng lớn cho các nhà đàm phán của nước này phải sớm đi đến một thỏa thuận để chấm dứt thế đối đầu thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump - hãng tin Bloomberg nhận định.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/1 cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc sụt 7,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với dự báo tăng 5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Xuất khẩu của nước này cũng giảm 4,4%, so với mức dự báo tăng 3%.
Đây là mức giảm mạnh nhất cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc kể từ 2016.
Giới thạo tin nói rằng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, "cánh tay phải" về kinh tế của Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, sẽ tới Mỹ vào cuối tháng 1 để đàm phán thương mại.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện thái độ lạc quan sau vòng đàm phán diễn ra trong tuần trước ở Bắc Kinh, nhưng hai bên hầu như chưa đạt tiến bộ rõ rệt nào trong những vấn đề gai góc nhất của cuộc đàm phán như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước…
Những trở ngại mà chiến tranh thương mại gây ra cho Trung Quốc xuất hiện đúng lúc nền kinh tế nước này chật vật với một loạt vấn đề trong nước, gồm tiêu dùng giảm tốc, niềm tin của các doanh nghiệp sa sút, mối lo về giảm phát giá bán buôn, và triển vọng thị trường việc làm xấu đi.
"Dữ liệu thương mại xấu sẽ làm gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải đạt một thỏa thuận thương mại, hoặc ít nhất làm sao để Mỹ dừng nâng thuế quan", ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á thuộc Oxford Economics ở Hồng Kông, nhận định. "Ngoài ra, phía Mỹ cũng có vẻ như đang chịu áp lực lớn hơn phải giải tỏa căng thẳng với Trung Quốc, nếu xét đến những thông tin kinh tế và thị trường tài chính Mỹ thời gian gần đây".
Ngoài xung đột với Mỹ, thương mại của Trung Quốc còn đang đối mặt với sự sa sút nhu cầu từ một loạt thị trường lớn như châu Âu - nơi nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đang có nguy cơ rơi vào suy thoái - và Nhật Bản. Trong tháng 12 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hồng Kông, Nhật Bản và Đài Loan đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
"Rõ ràng đang có một xu hướng đi xuống", chuyên gia kinh tế Zhou Hao thuộc ngân hàng Commerzbank ở Singapore phát biểu. "Sự suy giảm này không chỉ do chiến tranh thương mại và thuế quan. Hơn tất cả, trở ngại lớn nhất là sự chững lại của nhu cầu trên toàn cầu".
Dù kinh tế Trung Quốc hiện nay đã giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu so với trước kia, nước này - với tư cách là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới - vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ của nhu cầu thị trường bên ngoài đối với sản lượng của các nhà máy, lợi nhuận của các công ty và thị trường việc làm.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ổn định thương mại trở thành một trong những ưu tiên chính sách trong 2018, bên cạnh hỗ trợ thị trường việc làm, đầu tư và ngành tài chính.
Tuy sức ép đối với Trung Quốc và cả Mỹ đang lớn dần, giới phân tích không cho rằng hai bên có thể sớm đạt một thỏa thuận toàn diện để giải quyết triệt để cuộc đối đầu kinh tế.
"Sự bấp bênh lớn vẫn còn đó, về việc liệu hai bên có thể đi đến một thỏa thuận trước thời hạn 1/3", một báo cáo của ngân hàng Citigroup viết. "Chúng tôi tin rằng tăng trưởng thương mại trong năm tới sẽ giảm mạnh do sự bất ổn lớn và mức cơ sở cao".