“Trung Quốc xác định thương chiến với Mỹ là cuộc chiến dài hơi”
“Chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể mang một tầm nhìn dài, xa hơn thời gian mà chính quyền hiện tại của Mỹ có thể cầm quyền”
Trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài suốt 18 tháng qua với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc dường như đã hiểu ra rằng nước này sẽ phải "chơi" một cuộc đấu lâu dài, bởi xung đột giữa hai nước giờ đã vượt xa khỏi lĩnh vực thương mại.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài như chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật vào những năm 1980, cuộc chiến kéo dài hơn 1 thập kỷ - chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank nhận xét trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể", ông Xiong đánh giá. "Chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể mang một tầm nhìn dài, xa hơn thời gian mà chính quyền hiện tại của Mỹ có thể cầm quyền".
Trung Quốc vẫn sẽ để ngỏ cánh cửa tiếp tục đàm phán với Mỹ, nhưng khả năng nước này nhượng bộ Mỹ sẽ ngày càng giảm xuống, bởi Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng - theo ông Xiong.
Số ra ngày Chủ nhật vừa rồi của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng nước này đang đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia khác, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ở khu vực Mỹ Latin.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chú trọng thị trường trong nước. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Ba tuần này vạch ra 20 biện pháp hỗ trợ tiêu dùng nội địa, bao gồm áp dụng công nghệ mới để thúc đẩy lưu hành sản phẩm, cải thiện hạ tầng tại các tuyến phố thương mại, và đẩy mạnh sự phát triển của các cửa hàng tiện ích - hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay.
Ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, hôm thứ Ba viết trên Twitter rằng, với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, "ngày càng khó có chuyện Mỹ có thể ép Trung Quốc nhượng bộ".
"Quan hệ Trung-Mỹ đã giảm xuống một mức đáy mới", ông Donald Straszheim, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Evercore, nhận xét. "Cả hai bên đều vẫn có những ‘giới hạn đỏ’ không tương thích với nhau", bao gồm trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường, tỷ giá, và cơ chế thực thi một thỏa thuận nếu có.
Đầu tháng này, khi ông Trump bất ngờ phá bỏ thỏa thuận "ngừng bắn" bằng cách tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế quan 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Theo ông Xiong, mục đích của Trung Quốc khi đưa ra động thái này không phải là tối đa hóa thiệt hại cho Mỹ, mà giống như "cảnh cáo" Mỹ không nên tiếp tục áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.
"Trung Quốc vẫn sẽ đáp trả thuế quan Mỹ, nhưng bằng những biện pháp nhỏ hơn và có mục tiêu gọn hơn", ông Xiong nói. "Và cũng có thể, Trung Quốc sẽ không đưa ra những biện pháp phi thương mại để chống lại Mỹ như trừng phạt các lợi ích kinh doanh của Mỹ ở Trung Quốc".
Trên thực tế, Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu đóng cửa đối với các công ty Mỹ. Hãng bán lẻ Mỹ Costco hôm thứ Ba khai trương một siêu thị lớn ở Thượng Hải. Hãng xe điện Mỹ Tesla đang đẩy nhanh việc xây dựng một nhà máy quy mô lớn ở Thượng Hải.
Theo thời gian, thương chiến Mỹ-Trung đã lan rộng thành một cuộc chiến công nghệ, trong khi thuế quan có vẻ đã trở thành một công cụ để ông Trump gây sức ép lên Mỹ trong các vấn đề khác như tỷ giá Nhân dân tệ và mua hàng hóa nông sản mỹ.
"Xung đột Mỹ-Trung đã vượt xa khỏi thương mại, khiến những lợi ích tiềm năng đối với Trung Quốc trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ bị giảm đi", ông Xiong nói. "Nếu như trước đây Trung Quốc từng hy vọng rằng giải quyết thương chiến sẽ giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung nói chung, thì hy vọng đó giờ đây chắc không còn".
Hồi tháng 5 năm nay, chính quyền ông Trump đưa hãng công nghệ Trung Quốc Huawei vào "danh sách đen" dựa trên cáo buộc về an ninh quốc gia, theo đó hạn chế việc hãng này mua linh kiện và công nghệ Mỹ. Thời gian qua, ông Trump đã nhiều lần phàn nàn rằng Trung Quốc không mua hàng hóa nông sản Mỹ "với số lượng lớn" như đã hứa.
Gần đây, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng vẫn còn có nhiều vấn đề cơ cấu mà Mỹ cần phải giải quyết với Trung Quốc trước khi hai nước có thể đạt một thỏa thuận. Ông Navarro cho biết những vấn đề này bao gồm tấn công mạng, ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và thao túng tỷ giá.
"Chúng tôi không kỳ vọng có một thỏa thuận thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2019", ông Straszheim nói. "Nên nhớ rằng một thỏa thuận vẫn chưa phải là thỏa thuận cho tới khi nào từng câu chữ trong đó được hai bên nhất trí".