Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Nhiều nội dung quan trọng sẽ được Trung ương xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 diễn ra từ 25 - 27/12
Sáng 25/12, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Tại Hội nghị này, Trung ương sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định đối với nội dung về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để xem xét, quyết định việc ra Nghị quyết vào cuối kỳ họp.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 16 uỷ viên Bộ Chính trị và 5 uỷ viên Ban Bí thư.
Có 3 trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm lần này. Cụ thể, trường hợp của 1 uỷ viên Bộ Chính trị là ông Đinh Thế Huynh do đang trong thời gian nghỉ chữa bệnh dài ngày, từ đầu năm 2018.
2 uỷ viên Ban Bí thư là Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn vừa được Trung ương bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5 nên chưa đủ thời gian 1 năm để lấy phiếu tín nhiệm.
Về lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định việc này được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).
Trên phiếu sẽ ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Hai nhóm nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Ban Tổ chức Trung ương sẽ chuẩn bị phiếu tín nhiệm; trên phiếu có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban kiểm phiếu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm do Bộ Chính trị chủ trì. Sau khi các Ủy viên Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu sẽ làm việc và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.
Theo quy định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu người ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách khác liên quan.
Điều lệ Đảng quy định Ban chấp hành Trung ương họp thường lệ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Trong năm 2018, Trung ương khoá XII đã tiến hành hai kỳ họp lần thứ 7 (tháng 5) và lần thứ 8 (tháng 10).
Trao đổi với báo chí trước thềm hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, cho biết, đối với công tác cán bộ, Trung ương từng bước chuẩn hóa về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình nhân sự và cách làm theo hướng chặt chẽ, dân chủ, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan.
Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, tạo cơ chế môi trường thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng…
Các nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành nhằm khắc phục cho được những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ và từng bước đẩy lùi tình trạng "chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…".
Cũng theo ông Bình, một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
Ba độ tuổi được quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Còn nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực Hội đồng nhân dân, thường trực UBND...
Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.
16 ủy viên Bộ Chính trị được lấy phiếu tín nhiệm:
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng
- Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
- Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình
- Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
- Phó thủ tướng Phạm Bình Minh
- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng
- Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai
- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình
- Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
- Bộ trưởng Công an Tô Lâm
- Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải
- Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân
5 uỷ viên Ban Bí thư:
- Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên
- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình
- Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường
- Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc
- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Nguyễn Xuân Thắng.