09:13 02/04/2008

“Trước mắt, ngành than chấp hành chỉ đạo chưa tăng giá”

An Thơ - Đức Nguyễn

Hỏi chuyện ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)

"Nếu trong năm 2008, giá bán than của TKV không tăng thì chỉ riêng thị trường trong nước, lợi nhuận bị giảm hơn 1.000 tỷ đồng".
"Nếu trong năm 2008, giá bán than của TKV không tăng thì chỉ riêng thị trường trong nước, lợi nhuận bị giảm hơn 1.000 tỷ đồng".
Là doanh nghiệp Nhà nước cung cấp than cho 4 hộ lớn là hóa chất, điện, giấy, xi măng, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) có vị trí quan trọng trong kế hoạch triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô do Chính phủ đề ra.

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TKV về vấn đề này.

Ông có thể cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của TKV trong quý 1/2008?

Sản xuất, tiêu thụ than của TKV vẫn ổn định và có tăng trưởng. So với cùng kỳ, sản lượng than sạch quý 1/2008 ước đạt 9,83 triệu tấn, tăng 2,5%; tiêu thụ than đạt khoảng 9,24 triệu tấn (trong nước là 4,67 triệu tấn, tăng 24%).

Sản lượng than xuất khẩu chỉ bằng 59% về lượng và 89% về giá trị kim ngạch, tương đương 4,7 triệu tấn và 220 triệu USD, phù hợp với yêu cầu tiết giảm xuất khẩu.

TKV triển khai việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát mà Thủ tướng đã chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi bày tỏ nhất trí cao với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc triển khai 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Về phần mình, TKV đã họp và phổ biến các nhóm giải pháp chống lạm phát mà Thủ tướng chỉ đạo đến tất cả cán bộ chủ chốt. Đồng thời, chúng tôi cũng đề ra những biện pháp cụ thể thực hiện. Tới đây, lãnh đạo tập đoàn sẽ chia nhau đi kiểm tra quá trình thực hiện.

Ngoài ra, TKV tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác than, ưu tiên cung ứng than cho các hộ sử dụng trong nước. Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc Tập đoàn đẩy mạnh công suất góp phần cùng ngành điện giảm thiểu tình trạng thiếu điện trong thời gian tới; phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc khai thác than thổ phỉ, xuất lậu qua biên giới.

Có hai điểm nổi bật trong chỉ đạo của Thủ tướng đối với các doanh nghiệp Nhà nước là chưa tăng giá bán và tiết giảm đầu tư. Hai việc này TKV thực hiện như thế nào?

Nói chung, TKV chấp hành chỉ đạo của Chính phủ về việc không thực hiện tăng giá bán than trong thời điểm này đối với 4 hộ là: hóa chất, điện, giấy, xi măng. Chúng tôi sẽ tự cân đối để làm sao sản xuất vẫn tiếp tục đạt hiệu quả.

Trong lúc này, chúng tôi phải chịu tải và đó chỉ là vấn đề tạm thời từ nay đến hết tháng 6/2008 theo yêu cầu của Thủ tướng. Còn về dài hạn vẫn phải theo thị trường.

Còn đối với tiết giảm trong đầu tư: hiện, tổng vốn đầu tư của TKV vào các dự án khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây là những dự án cơ bản của ngành, đang rất hiệu quả. Nếu có tiết giảm thì cũng không đáng kể.

Hiện nay, Thủ tướng đã có ý kiến điều chỉnh giá nguyên vật liệu đầu vào và Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn, tuy nhiên giá thiết bị nhập khẩu trong vòng 2 tháng qua đã tăng 20%. Bên cạnh, giá các nguyên vật liệu sắt thép, xi măng, cát và các nguyên vật liệu hầu hết cũng đều tăng. Các nhà thầu gần như rất khó thi công.

Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ không những cho phép điều chỉnh giá nguyên vật liệu mà còn cho điều chỉnh giá thiết bị cũng như tổng mức đầu tư như Bộ Xây dựng đã kiến nghị. Nếu không, các dự án đang triển khai phải dừng lại.

Thưa ông, việc chưa tăng giá bán than sẽ gây áp lực lên doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn ra sao?

Nếu trong năm 2008, giá bán than của TKV không tăng thì chỉ riêng thị trường trong nước, lợi nhuận bị giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi phải bù đắp khoản này bằng cách tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu mặc dù không thể bù đắp hơn.

Đáng lẽ giá bán của TKV phải tăng đối với hộ xi măng từ 1/4/2008, bởi hiện nay giá bán cho hộ này hiện chỉ bằng 84% giá thành sản xuất và tương đương hơn 50% so với giá xuất khẩu.

Nhưng ngành xi măng cũng khó khăn và vì thế, trước mắt chúng tôi phải chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu sau tháng 6/2008, tình hình khác đi thì nên theo giá thị trường, vì đó là phương châm điều hành dài hạn của Chính phủ.

Trên thực tế, chúng tôi chưa tăng giá nhưng phải hiểu là chênh lệch giá bán than trong nước và xuất khẩu rất cao, tới 40%; giá bán cho xi măng, giấy, chưa tới 30% so với giá xuất khẩu. Vì vậy đã sinh ra chuyện xuất khẩu than lậu. TKV cũng đã ráo riết kiểm soát nhưng chưa có cách gì ngăn chặn được.

Ngoài ra, với giá bán chưa được điều chỉnh như vậy thì với các hộ xi măng và giấy vẫn mua với mức giá tương đương 84% so với giá thành sản xuất. Điều này sẽ kéo theo lỗ nặng cho TKV. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ chưa tăng thuế suất xuất khẩu than mà vẫn giữ ở mức 10% như hiện nay.