09:05 27/09/2007

“Tương lai của khí hậu nằm trong tay chúng ta”

Trung Việt

Nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay, thì tác động của tình trạng ấm lên của trái đất sẽ ở mức tàn phá

Chỉ trong 10-15 năm nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vượt ngưỡng cho phép để có thể duy trì tình trạng ấm lên ở mức "chấp nhận được" như hiện nay.
Chỉ trong 10-15 năm nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vượt ngưỡng cho phép để có thể duy trì tình trạng ấm lên ở mức "chấp nhận được" như hiện nay.
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hiệp quốc về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ở New York (Mỹ), ngày 24/9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay, thì tác động của tình trạng ấm lên của trái đất sẽ ở mức tàn phá.

Đại diện các nước đã cam kết và đưa ra những sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính-nguyên nhân khiến nhiệt độ trái đất gia tăng.

Lượng khí thải sắp vượt mức cho phép

Với chủ đề "Tương lai nằm trong tay chúng ta: kêu gọi sự quan tâm đặc biệt tới thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu", mục tiêu của hội nghị lần này nhằm phá vỡ thế bế tắc trong những nỗ lực nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc, các nước công nghiệp phát triển cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực và đi đầu trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ trong 10-15 năm nữa, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ vượt ngưỡng cho phép để có thể duy trì tình trạng ấm lên ở mức "chấp nhận được" như hiện nay. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, hành động ngay lập tức của cộng đồng quốc tế sẽ quyết định sự thành bại của Hội nghị toàn cầu về tình trạng nóng lên của khí hậu trái đất, sẽ diễn ra ở Bali, Indonesia vào tháng 12 tới.

Tại hội nghị, các nước châu Âu cùng Canada và Nhật Bản đã đề nghị ấn định mục tiêu tới năm 2050 giảm mức khí thải của thế giới xuống còn bằng một nửa mức của năm 1990, đồng thời duy trì mức độ ấm lên của trái đất là cao hơn 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Bộ trưởng Môi trường Anh Hilary Ben kêu gọi Mỹ chấp nhận đưa ra những cam kết có tính ràng buộc về việc giảm lượng khí thải của nước này. Phát biểu thay mặt Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates, cho rằng các nước phát triển phải nhất trí đề ra một danh mục mới gồm những mục tiêu có tính ràng buộc, tận dụng thị trường trao đổi hạn ngạch CO2 toàn cầu và Cơ chế Phát triển sạch Kyoto (CDM) để hạ bớt chi phí giảm khí thải.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice cho biết, Mỹ nghiêm túc xem xét tình trạng biến đổi khí hậu, và đã đề ra sáng kiến khuyến khích công nghệ sạch hơn.

Các nước giàu phải chịu trách nhiệm chính

Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển cho rằng các nước giàu, hiện phải "chịu trách nhiệm" về 70% lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, có bổn phận giảm lượng khí thải của họ. Những nước này không nên đòi hỏi những nước nghèo hơn ký vào những cam kết giảm khí thải có tính ràng buộc vì làm như vậy có thể gây phương hại tới nỗ lực thoát khỏi đói nghèo của họ.

Tại hội nghị ở Bali sắp tới, các nước sẽ đề ra lộ trình cho các cuộc đàm phán về một thỏa thuận toàn cầu mới cho nỗ lực giải quyết tình trạng ấm lên của trái đất, sau khi giai đoạn một của Nghị định thư Kyoto kết thúc vào cuối năm 2012.

Thụy Điển đã đưa ra sáng kiến thành lập một ủy ban quốc tế về môi trường để xem xét liệu viện trợ nước ngoài cho các nước đang phát triển có thể được sử dụng giúp ngăn chặn sự ấm dần lên của trái đất hay không. Uỷ ban trên sẽ đóng trụ sở ở Stockholm, kinh phí hoạt động do Thuỵ Điển tài trợ; dự kiến, Uỷ ban sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm nay và sẽ đưa ra những kiến nghị vào năm 2009.

Ngay trước khi khai mạc hội nghị trên, tổ chức phi lợi nhuận "Carbon Disclosure Project" (CDP) đã công bố báo cáo thường niên lần thứ năm, cho thấy các công ty lớn trên thế giới ngày càng chú trọng tới sự biến đổi của khí hậu. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khích lệ “quá trình cơ cấu lại kinh tế và công nghiệp trên toàn thế giới”. Nó buộc các công ty phải xác định lại nền tảng của lợi thế cạnh tranh; chú trọng hơn đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ngày 21/9, Liên hiệp quốc cũng đã tổ chức Hội nghị về môi trường, tại Canada. Đại diện chính phủ các nước dự hội nghị đã đạt được một thỏa thuận "lịch sử" về đẩy nhanh việc loại bỏ các khí thải hóa chất hủy hoại tầng ozon. Hội nghị kêu gọi các nước phát triển phải ngừng sử dụng các hợp chất có hại cho tầng ozon vào năm 2030, còn các nước đang phát triển cũng hành động tương tự như vậy vào năm 2040.

Theo thống kê, năm ngoái, sự tổn thương đối với bầu khí quyển, mà người ta cho là do sự ô nhiễm không khí gây ra, ước tính đã lan rộng tới mức kỷ lục 29,5 triệu km2 trên không trung và vượt quá cả Nam cực.