09:26 08/10/2007

Unilever: “Sản xuất ở Việt Nam có lợi về giá thành”

Đức Phan

Trao đổi với ông Harish Manwani, Chủ tịch Tập đoàn Unilever khu vực châu Á và châu Phi

"Việt Nam nằm trong diện ưu tiên đầu tư phát triển của Unilever".
"Việt Nam nằm trong diện ưu tiên đầu tư phát triển của Unilever".
Unilever là tập đoàn nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam về sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm hóa mỹ phẩm. Chủ tịch Tập đoàn Unilever khu vực châu Á và châu Phi - ông Harish Manwani - vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Harish Manwani.

Xin ông vui lòng cho biết một số kết quả kinh doanh của Unilever ở Việt Nam trong thời gian qua?

Sau hơn 10 năm đầu tư phát triển, chúng tôi đã gây dựng được một doanh nghiệp hoạt động với nhiều ngành hàng khác nhau ở Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp đã đạt doanh thu khoảng 400 triệu USD mỗi năm. Đây là kết quả ban đầu quan trọng để chúng tôi tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển Unilever thành công hơn ở Việt Nam.

Unilever có định hướng chiến lược gì để phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường ở Việt Nam khi Việt Nam đã gia nhập WTO?

Việt Nam nằm trong diện ưu tiên đầu tư phát triển của Unilever. Các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi dậy trong đó có khu vực châu Á đóng vai trò quan trọng và vị trí lớn trong chiến lược phát triển của chúng tôi. Việt Nam đã có sự tăng trưởng phát triển nhanh và đạt được nhiều thành công trong thời gian qua ở khu vực châu Á.

Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ ngày càng liên kết rộng lớn, mạnh mẽ hơn với nền kinh tế thế giới. Với lợi thế lao động trẻ và có trình độ, Việt Nam sẽ có vai trò ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế của khu vực cũng như toàn cầu.

Unilever nhận thức được tiềm năng, thế mạnh đó của Việt Nam và có một chiến lược phát triển dài hạn. Không phải đến khi Việt Nam gia nhập WTO mà những tiềm năng của thị trường Việt Nam ngay từ đầu đã là yếu tố thúc đẩy chúng tôi có một chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Do lợi thế có mặt sớm nên chúng tôi hiểu rõ thị trường Việt Nam và đã có nhiều mối quan hệ gắn bó với các đối tác Việt Nam.

Chính những lợi thế đó đã tạo ra cho Unilever sự tin cậy tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển Unilever tại Việt Nam. Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại cơ hội cho Unilever trở thành nơi sản xuất, cung cấp những mặt hàng cho các công ty, thị trường thế giới khi những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có hiệu quả về giá thành.

Sự kiện này cũng sẽ ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp bán lẻ của Việt Nam. Những kênh phân phối hiện đại (như BigC, Metro...) sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam và sẽ mang lại cơ hội cho những công ty đang kinh doanh như Unilever. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi có hệ thống phân phối hiện đại xuất hiện sẽ có ảnh hưởng tích cực đến ngành kinh doanh thực phẩm.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm nên thành công của Unilever để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động cạnh tranh trong phát triển hội nhập?

Unilever đã hoạt động kinh doanh ở 140 thị trường quốc gia trên toàn thế giới. Công thức để mang lại thành công trong kinh doanh của Unilever rất đơn giản. Đó là khi đi vào một thị trường mới, chúng tôi mang vào đó tất cả các kỹ năng, năng lực, trình độ chuyên môn mạnh nhất. Cùng với đó là việc xây dựng doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với thị trường để có thể tồn tại lâu dài, như một doanh nghiệp bản địa.

Theo ông, Chính phủ cần có sự hỗ trợ như thế nào về mặt chính sách để các doanh nghiệp tự tin bước vào hội nhập, đủ sức cạnh tranh?

Không phải đến khi gia nhập WTO, thị trường Việt Nam mới có cạnh tranh mà sự cạnh tranh đã diễn ra từ lâu giữa các công ty. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, khi sự cạnh tranh tăng lên mà đặc biệt ở những khu vực đang phát triển thì “miếng bánh” cũng lớn hơn và các doanh nghiệp sẽ có những điều kiện để phát triển vì tổng thị trường đã tăng lên.

Về phía Chính phủ cũng sẽ thu được nhiều thuế hơn vì sức mua, sức chi của thị trường đã lớn lên. Cần nhìn nhận cạnh tranh như một động lực, cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa sự tăng trưởng của thị trường, làm cho thị trường mở rộng hơn.

Đứng trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải nâng cao trình độ, chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng và phát triển năng lực con người và sản xuất kinh doanh... của mình toàn diện và lớn hơn.

Điều doanh nghiệp kỳ vọng ở Chính phủ là tạo ra một cơ sở hạ tầng tốt. Cùng với đó là hệ thống các quy tắc, luật lệ quy định rõ ràng, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Về phía doanh nghiệp cũng cần phải có một tầm nhìn dài hạn hơn về thị trường của mình để đầu tư, xây dựng. Giữa Chính phủ và doanh nghiệp luôn luôn phải có mối quan hệ đối thoại qua lại, hỗ trợ nhau để đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia.

Công nghiệp hàng tiêu dùng là ngành phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo và tiếp thị để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, các thủ tục...

Tuy nhiên, hiện nay, mức chi cho hoạt động quảng cáo tiếp thị vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, nếu hoạt động này được nới lỏng hơn hoặc loại bỏ thì sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường.