"Ưu tiên khẩn cấp" cải cách doanh nghiệp nhà nước
Điều đáng lo ngại là tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã chậm lại
Đó là một trong các khuyến nghị từ nhóm tác giả của một nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam do VCCI chủ trì thực hiện.
Chiều 20/12. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VVCI) đã tổ chức hội thảo khoa học nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất quốc gia.
Giới thiệu khái quát kết quả nghiên cứu, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết nghiên cứu này đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN và xác định những cản trở có thể có đối với sự phát triển của đất nước.
Nghiên cứu cũng vạch ra lộ trình chính sách rõ ràng với những khuyến nghị cụ thể đối với Việt Nam để bước vào con đường tăng trưởng nhanh và bền vững qua đó cho phép Việt Nam bắt kịp với ASEAN vào năm 2040.
Ngoài các chuyên gia trong nước, đề tài còn nhận được sự hợp tác từ các viện cứu hàng đầu tại châu á, như Viện Cạnh tranh Châu Á - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học quốc gia Singapore, Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, Đài Loan, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, ông Lộc cho biết .
Bộ máy kém hiệu quả là một cản trở
Theo những phát hiện chính của nghiên cứu, Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 30 năm qua nhưng tính bền vững của kinh tế thị trường vẫn đang là vấn đề cần quan tâm.
Một mặt, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất kế tiếp ở Châu Á, theo hướng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc về phía nam. Đặc biệt là những lợi thế từ lực lượng lao động trẻ, dồi dào với chi phí thấp. Các nguồn tài nguyên tự nhiên về cảnh quan và đất đai phì nhiêu thuận lợi cho trồng lúa, hoa quả nhiệt đới, hoa màu đem lại cho Việt Nam tiềm năng to lớn để trở thành điểm du lịch hàng đầu và là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong tương lai.
Mặt khác, mô hình phát triển hiện tại của Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp để thúc đẩy đất nước tiến lên trong giai đoạn phát triển tiếp theo, nhóm tác giả nhận định.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cho rằng, điều đáng lo ngại là tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã chậm lại. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng năng suất nông nghiệp không cao, cùng với sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và sự thiếu đồng bộ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, những cải cách về thể chế không bắt kịp với cải cách về kinh tế. Những khoảng cách trong chất lượng thể chế bao gồm: thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, bộ máy kém hiệu quả và tham nhũng đã cản trở việc thực hiện chính sách nhằm giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế của Việt Nam.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang ở tong một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, nơi mà cải cách "đổi mới" của nền kinh tế là chưa đủ. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách "hồi sinh" nền kinh tế Việt Nam thông qua một làn sóng cải cách toàn diện mới.
Tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân
Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra 5 đề xuất chính sách cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường cơ chế thị trường để tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân. "Đây được coi như là một chính sách ưu tiên khẩn cấp cho Việt Nam", nhóm tác giả nhấn mạnh.
Cho rằng đây là vấn đề không mới, song Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn cần ưu tiên hàng đầu nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, vì khối này đang nắm giữ một nguồn lực rất lớn.
Ông Lộc cũng cho biết đề xuất này kêu gọi Chính phủ thúc đẩy việc cổ phần hoá và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, hợp lý hóa và tập trung hóa hệ thống quản lý tài sản công, loại bỏ sự méo mó của thị trường do ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước để tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Ở đề xuất thứ hai, tăng cường khả năng kết nối trong nước như một phương tiện để giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền ông Lộc nhấn mạnh kiến nghị quan trọng là thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội, từ đó làm chất xúc tác phát triển miền Bắc.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề xuất dự kiến Hà Nội sẽ trở thành một trung tâm kinh doanh và tài chính, nơi tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam sẽ thành lập văn phòng đại diện để được hưởng lợi từ các hoạt động tư vấn kinh doanh và hỗ trợ dịch vụ hành chính từ các cơ quan có thẩm quyền.
Hà Nội cũng có thể trở thành một cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Bắc với nền kinh tế toàn cầu, với các cơ sở sân bay hiện đại, hệ thống giao thông đô thị loại một và liên kết cơ sở hạ tầng liền mạch với các trung tâm công nghiệp phía Bắc...
Khuyến nghị thứ ba là nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.. Thứ tư là phác thảo chiến lược phát triển toàn diện lực lượng lao động Việt Nam.
Với khuyến nghị thứ năm, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của một cấu trúc kinh tế cân bằng, đa dạng hóa, nơi sản xuất và dịch vụ được phát triển song song và được hỗ trợ bởi một ngành nông nghiệp năng suất cao.
Việc thực hiện 5 đề xuất chính sách này được Chủ tịch VCCI nhấn mạnh là một cuộc tái cấu trúc cơ bản mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Nhiệm vụ to lớn này chỉ có thể đạt được nếu Chính phủ cam kết đẩy mạnh cải cách kinh tế và quan trọng hơn là phải có những bước đi cụ thể để tăng cường năng lực thể chế, đảm bảo bộ máy nhà nước đáp ứng được những yêu cầu của cải cách.
Để đạt được điều trên, cần phải xây dựng một hệ thống hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch, nơi có sự đào tạo và phát triển toàn diện của các quan chức Chính phủ, giám sát hiệu quả, triển khai và quảng bá dựa trên kết quả dựa theo mức độ nhân tài, nhóm tác giả nhấn mạnh.