17:27 16/04/2012

Vẫn còn nhiều thị trấn đang chờ được mua

An Huy

Sau vụ người Việt mua đứt thị trấn Mỹ, cơ hội để các nhà đầu tư ngoại quốc thâu tóm “một phần nước Mỹ” vẫn còn rất rộng mở

Trong số các thị trấn Mỹ đang chờ khách mua, trước tiên phải kể tới thị trấn Pray thuộc bang Motana, với mức giá rao bán khởi điểm 1,4 triệu USD.
Trong số các thị trấn Mỹ đang chờ khách mua, trước tiên phải kể tới thị trấn Pray thuộc bang Motana, với mức giá rao bán khởi điểm 1,4 triệu USD.
Sau khi thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford về tay doanh nhân người Việt Phạm Đình Nguyên với giá khoảng 0,9 triệu USD, nhiều nhà đầu tư Việt Nam và trên thế giới chắc hẳn cảm thấy tiếc rẻ vì đã bỏ lỡ thời cơ sở hữu bất động sản này.

Tuy nhiên, cơ hội để các nhà đầu tư ngoại quốc thâu tóm “một phần nước Mỹ” vẫn còn rất rộng mở, khi mà còn có nhiều thị trấn Mỹ khác được rao bán. Nhưng tất nhiên, mức giá chào bán khởi điểm của các thị trấn này không hề “bèo” như thị trấn Buford.

Trong số các thị trấn Mỹ đang chờ khách mua, trước tiên phải kể tới thị trấn Pray thuộc bang Motana, với mức giá rao bán khởi điểm 1,4 triệu USD.

Theo thông tin đăng tải trên trang môi giới bất động sản Mason Morse, thị trấn Pray nằm ở trung tâm thung lũng Paradise, cách công viên quốc gia Yellowstone 30 dặm và chỉ cách khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hot Spring Resort có 2,5 dặm. Thị trấn có diện tích khoảng 2 hectare này được thiên nhiên ưu ái ban tặng khủng cảnh tươi đẹp, dù hầu như chẳng có ai sống ở đây. Thống kê dân số của Mỹ cho rằng, có 197 người sống ở Pray, nhưng báo chí cho biết, thực ra, toàn bộ số dân này đều nằm ở khu vực bên ngoài phạm vi thị trấn.

Ngoài đất đai, các tài sản khác mà nhà đầu tư sẽ nhận được khi thâu tóm Pray bao gồm một khu nhà di động cho thuê, một cửa hàng bách hóa đã đóng cửa, và một bưu điện. Chủ nhân của thị trấn này, bà Barbara Walker, 52 tuổi, nói với tờ The Daily rằng, sau khi chồng bà qua đời vào năm 2006, bà chẳng muốn một mình quản lý thị trấn này nữa. “Tôi vừa phải làm cảnh sát trưởng, kiểm soát rác thải và kiểm soát động vật ở đây”, bà than thở.

Tên của thị trấn này được đặt theo tên của một Hạ nghị sỹ bang Montana, ông Charles N. Pray. Gia đình Walker mua lại thị trấn này vào năm 1953.

Theo quảng cáo của Mason Morse, chủ nhân mới của Pray có thể sử dụng thị trấn này cho mục đích thương mại hoặc đơn thuần để ở, thưởng thức sự bình yên và vẻ đẹp thiên nhiên. Tại Pray và khu vực xung quanh, người dân và du khách có thể tham gia rất nhiều hoạt động ngoài trời như leo núi, cưỡi ngựa, cắm trại, trượt tuyết, săn bắn…

Ngoài Pray, một thị trấn Mỹ khác đang được các nhà đầu tư “nhòm ngó” là thị trấn bị bỏ hoang Henry River Mill Village ở bang North Carolina. Cũng được rao bán với giá 1,4 triệu USD như Pray, nhưng Henry River Mill Village có diện tích lên tới gần 30 hectare. Nơi đây từng nơi các nhà làm phim của bộ phim bom tấn Hunger Games quay các cảnh phim liên quan tới địa danh Quận 12.

Thị trấn này được hình thành vào năm 1905, khi Michael Erastus Rudisill cho xây một con đập lớn và một nhà máy sản xuất sợi bông     ở đây. Sự phát triển của nhà máy này đã kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ việc làm và dân số trong vùng. Khi nhà máy này đóng cửa vào cuối thập niên 1960, người dân ở đây cũng lũ lượt rời đi. Đến nay, chỉ còn một cư dân duy nhất còn trụ lại ở “thị trấn ma” này, đồng thời cũng là chủ nhân của thị trấn, ông Wade Shepherd, 83 tuổi.

Chính sự nổi tiếng của Henry River Mill Village khiến ông Shepherd “phát ốm” và muốn rao bán thị trấn. “Tôi có quá nhiều khách viếng thăm. Cả ngày lẫn đêm, họ lái xe ầm ầm, chụp ảnh, vào ra. Tôi như bị bỏ bom”, ông Shepherd nói với phóng viên hãng AP.

Không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước thế giới, đã và đang có nhiều thị trấn bị rao bán. Đây đều là những thị trấn có diện tích không lớn, và dân số cùng lắm cũng chỉ vài chục người, có nơi chỉ có 1 cư dân duy nhất như thị trấn Buford được bán cho doanh nhân người Việt. Hầu hết các thị trấn này đều đã bị liệt vào dạng “thị trấn ma” vì dân cư đều đã lần lượt rời đi sau thời kỳ hoàng kim phát triển kinh tế.

Báo Telegraph của Anh hồi tháng 2 đưa tin, thị trấn Courbefy thuộc vùng Limousin nước Pháp đang được rao bán với giá 275.000 Bảng. Thị trấn này có 19 tòa nhà, bể bơi, và từng có dân số 200 người, giờ gần như bỏ không. Theo tin từ trang ABC, hiện thị trấn này vẫn chưa được ai hỏi mua, và một cuộc đấu giá được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay.

Cũng theo Telegraph, vào tháng 11 năm ngoái, nguyên một khu làng có tên Asham Richard thuộc xứ York của Anh, bao gồm 3 nông trại, 14 khu nhà ở và 22 mẫu rừng, được rao bán với giá 6,5 triệu Bảng. Trước đó, vào tháng 4 năm ngoái, một thị trấn có tên Valle Piola ở Italy được rao bán với giá 485.000 Bảng.

Riêng ở Mỹ, mấy năm gần đây đã có nhiều thị trấn được sang tên đổi chủ, trong đó có một số chủ nhân mới của các thị trấn Mỹ là các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở Mỹ, năm ngoái, một nhà thờ Philippines đã chi 800.000 USD để thâu tóm thị trấn bỏ hoang có tên Scenic ở South Dakota. Thị trấn Albert Texas cũng được một nhà đầu tư mua lại với giá 3,8 triệu USD vào năm ngoái. Năm 2010, thị trấn Wauconda, bang Washington được bán với giá 360.000 USD.

Trước đó còn có thị trấn The Grove, Texas được bán với giá 200.000 USD, thị trấn Eustis, bang Florida được rao bán với giá 7,8 triệu USD từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có khách mua, thị trấn Palidase ở Nevada được bán với giá 150.000 USD vào năm 2005…

Việc bỏ ra một vài triệu USD để sở hữu bất động sản Mỹ có lẽ không phải là chuyện lớn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các “đại gia” Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin từ các tờ báo Mỹ, hầu hết các nhà đầu tư mua đứt cả một thị trấn trong mấy năm gần đây đều chưa làm được gì đáng kể với các thị trấn này. Phần lớn các thị trấn được mua lại đều vẫn đang trong tình trạng “thị trấn ma” trước khi đổi chủ.