Văn phòng bỏ trống ở New York, London nhiều nhất 2 thập kỷ
Đây là một hệ quả của xu hướng làm việc từ xa, cho dù các doanh nghiệp cố gắng tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng sau đại dịch Covid-19...
Nhu cầu không gian văn phòng tiếp tục sụt giảm ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, với tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống tăng lên mức cao nhất 20 năm ở New York và London. Đây là một hệ quả của xu hướng làm việc từ xa, cho dù các doanh nghiệp cố gắng tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng sau đại dịch Covid-19.
Tờ Financial Times dẫn dữ liệu từ CoStar, một công ty nghiên cứu chuyên về bất động sản thương mại cho thấy tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống đã tăng lên mức cao mới và đầu tư vào bất động sản văn phòng đã giảm mạnh trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái ở London, New York và một thành phố lớn khác của Mỹ là San Francisco.
Tình trạng suy giảm kéo dài của thị trường văn phòng diễn ra trong bối cảnh lãi suất tăng cao và tỷ lệ lấp đầy văn phòng giảm xuống thấp đang gây áp lực lên mức định giá các toà nhà văn phòng. Một tín hiệu đáng mừng cho các chủ văn phòng cho thuê là những tháng gần đây, một số doanh nghiệp lớn như Amazon, BlackRock, Lloyds Banking Group và JPMorgan Chase đã đưa ra quy định bắt buộc nhân viên phải có mặt tại văn phòng vào những ngày nhất định.
“Các giao dịch lớn không diễn ra ở thời điểm này. Đang có một sự khác biệt kỳ vọng giữa người mua và người bán”, giám đốc phân tích Mark Stansfield của CoStar nhận định.
Theo ông Jonathan Gardiner, trưởng đại lý văn phòng ở khu vực trung tâm London của công ty tư vấn bất động sản Savills, nói rằng các công ty đang trì hoãn giao dịch bất động sản vì “vẫn đang cố gắng xác định nhu cầu văn phòng của mình”, vì các xu hướng làm việc đã dịch chuyển từ mô hình làm việc tại nhà thời Covid sang làm việc kết hợp tại nhà và tại văn phòng, cùng với yêu cầu bắt buộc có mặt tại văn phòng đang có chiều hướng tăng lên.
Tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống ở San Francisco đã lên tới mức cao nhất 2 thập kỷ ở mức 20% trong quý 3 vừa qua, từ mức chỉ 6,3% trước đại dịch. Thành phố trung tâm công nghệ của bang California này chỉ thu hút được 454 triệu bảng Anh vốn đầu tư vào văn phòng trong quý 3, bằng chưa đầy 1/3 so với mức trước đại dịch.
“Những nơi như San Francisco đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do xu hướng lạm việc kết hợp tại nhà và tại văn phòng, cũng như mức độ phổ biến của các công ty công nghệ ở đó”, ông Stansfield nói. Theo giới phân tích, nhân viên các công ty công nghệ làm việc từ xa nhiều hơn nhân viên trong các lĩnh vực khác.
Đầu tư văn phòng ở London tăng nhẹ so với quý trước đó, lên mức 2 tỷ bảng Anh trong quý 3 nhờ một loạt thương vụ ở khu vực trung tâm thành phố, nơi văn phòng luôn trong tình trạng thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, mức đầu tư này vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và giảm hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành công nghệ và truyền thông vốn là những lĩnh vực thường giữ vai trò thúc đẩy nhu cầu văn phòng ở London, nhưng doanh nghiệp trong các ngành này đang cắt giảm không gian làm việc do tốc độ tăng trưởng chậm lại, theo ông Gardiner. Tỷ lệ văn phòng bỏ trống ở London trong quý 3 là 9%, mức cao nhất kể từ khi CoStar bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2003.
Bức tranh thị trường bất động sản văn phòng ở New York trong quý 3 cũng ảm đạm không kém, theo CoStar. Đầu tư vào bất động sản văn phòng tại thành phố này trong quý 3 đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống là 13,4%, gần cao nhất 2 thập kỷ.