15:54 03/10/2018

Về “siêu” Ủy ban, Tổng công ty Đường sắt không được giao dự án của Bộ Giao thông

KIỀU LINH

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiên phong bàn giao trước để các tổng công ty sớm ổn định, tập trung cho công việc

Về "siêu" Uỷ ban, Tổng công ty đường sắt không được làm chủ đầu tư 2 dự án gần 4.000 tỷ đồng.
Về "siêu" Uỷ ban, Tổng công ty đường sắt không được làm chủ đầu tư 2 dự án gần 4.000 tỷ đồng.

"Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác bàn giao, đảm bảo công việc không chồng chéo, đình trệ. Trong vòng 45 ngày phải bàn giao xong. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiên phong bàn giao trước để các tổng công ty sớm ổn định, tập trung cho công việc", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định tại buổi làm việc về chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Trong số này, có 5 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hiện tại, Bộ đang triển khai dự án 7.000 tỷ đồng của đường sắt. Vừa qua, Bộ có phân cho Ban Quản lý dự án Đường sắt 2 dự án, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 2 dự án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, thời gian tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trực thuộc Ủy ban. Rõ ràng không thể giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án vốn của Bộ Giao thông được.

"Cần khẩn trương tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Cái nào thuộc quản lý nhà nước phải chuyển hết toàn bộ cho Cục Đường sắt Việt Nam", Bộ trưởng yêu cầu.

Tương tự, với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), kế hoạch giao làm các sân bay cũng sẽ phải tách bạch.

Trước đó, ngay sau khi được Quốc hội đồng ý bố trí khoản vốn 7.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Ban Quản lý dự án Đường sắt 2 dự án cải tạo đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, nâng cấp cầu yếu, hầm yếu, các đường gom; giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo đoạn tuyến Vinh - Nha Trang và Nha Trang - Sài Gòn. Trong đó, gói cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Vinh - Nha Trang khoảng 1.800 tỷ đồng, đoạn tuyến Nha Trang - Sài Gòn khoảng 1.900 tỷ đồng.

Về vấn đề vốn cho đường sắt, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải không thể giao trực tiếp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện được. Đối với việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, Bộ sẽ chủ trì cùng Ủy ban thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ công ích. 

"Việc thực hiện bảo trì hàng năm thực hiện thông qua đặt hàng, không giao trực tiếp như hiện nay", ông Khôi nói.

Đối với Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng: "Sẽ bàn giao nguyên trạng".

Đối với Tổng công ty Hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết đã tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nên việc bàn giao sẽ không gặp khó khăn.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Các đồng chí Thứ trưởng cần chủ trì, làm rõ lộ trình bàn giao như thế nào, công việc gì ai làm, khi nào xong. Các cục, tổng cục chuyên ngành cũng cần rà soát lại công tác quản lý nhà nước. Phía các tổng công ty cũng cần chủ động hơn. Khi chuyển giao có nguyện vọng gì, khó khăn ở đâu, phải nghiên cứu đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ".