Vì sao các “gã khổng lồ” ngành chip phải nhanh chân mở rộng thị trường?
Làn sóng mở rộng ra nước ngoài đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với Đài Loan, nơi hội tụ những “gã khổng lồ” trong ngành chip bán dẫn của thế giới…
Theo Nikkei Asia, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và Foxconn không phải là những công ty công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) duy nhất cảm thấy buộc phải mở rộng ra nước ngoài. Các nhà cung cấp lĩnh vực chip và điện tử, vật liệu, nhà máy cũng đang tham gia vào làn sóng này trong bối cảnh những khách hàng hàng đầu của họ đều đang bắt đầu mở rộng hoạt động ra nước ngoài mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
ĐẦU TƯ CỦA ĐÀI LOAN VÀO THÁI LAN, VIỆT NAM VÀ MALAYSIA TĂNG 146%
Lai Ming-Kuen, Tổng giám đốc của Acter Group cho biết hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của công ty tăng 50% vào năm ngoái. Kết quả này vượt trội so với các thị trường cốt lõi là Đài Loan và Trung Quốc. Lai nói với Nikkei Asia: “Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024”.
Acter xây dựng các nhà máy điện tử và phòng sạch (cleanroom) cho các công ty công nghệ như Foxconn, Delta Electronics, Wistron và ASE Technology Holding.
Trong khi Đông Nam Á chỉ đóng góp hơn 10% doanh thu của Acter, ông Lai nhấn mạnh sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ tại 3 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. “Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ về lắp ráp điện tử, trong khi Thái Lan đang chứng kiến sự gia tăng các nhà máy sản xuất bảng mạch in mới và Malaysia đang thu hút các doanh nghiệp đóng gói bán dẫn”.
Nhưng người đứng đầu Acter cũng thừa nhận sự phức tạp của việc kinh doanh ở Đông Nam Á. “Đây là khu vực tập trung nhiều nền văn hóa đa dạng và ngôn ngữ khác nhau. So với Trung Quốc, hoạt động ở Đông Nam Á đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn hơn để tạo ra kết quả tốt”.
Theo dữ liệu của Chính phủ, đầu tư của Đài Loan vào Thái Lan, Việt Nam và Malaysia trong năm 2023 đã tăng 146% so với cùng kỳ, đạt hơn 2,2 tỷ USD.
VÌ SAO CẦN KHAI PHÁ CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI?
Căng thẳng địa chính trị kết hợp đại dịch Covid-19 cùng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đã gây ra sự thay đổi đáng kể trong ngành công nghệ. Sau nhiều thập kỷ tập trung sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan, các nhà lắp ráp điện tử như Foxconn, Quanta và Wistron cùng với các nhà cung cấp chip lớn từ TSMC đến UMC đang thiết lập hoạt động tại các địa điểm mới trên khắp Đông Nam Á, Nhật Bản và thậm chí cả châu Âu.
Nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc là một động lực khác để các nhà cung cấp thượng nguồn tìm kiếm và thâm nhập vào các thị trường mới. Theo các giám đốc điều hành trong ngành, sự suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất châu Á đã làm gia tăng sự cạnh tranh và cuộc chiến về giá khiến việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc mang lại tiềm năng tăng trưởng mới.
Frank Liang, Tổng giám đốc của C Sun, nói với Nikkei Asia rằng công ty của ông đang tìm cách mở rộng sang Thái Lan và Malaysia, đồng thời xem xét việc mở chi nhánh sang Nhật Bản.
C Sun có những khách hàng là nhà sản xuất bảng mạch in và đóng gói chip hàng đầu thế giới, bao gồm ASE Tech Holding, Unimicron và Nan Ya PCB. Công ty cũng đã cung cấp máy móc cho TSMC để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đóng gói chip tiên tiến. C Sun trước đây tập trung vào thị trường quê nhà Đài Loan và Trung Quốc vì đó là nơi tập trung hầu hết khách hàng của họ.
“Sau một năm suy thoái và có nhiều biến động đối với toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn… chúng tôi nhận thấy hoạt động tăng trưởng trở lại từ năm nay và chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng từ giữa năm 2024”.
Ông Jeffrey Pan, Chủ tịch Topco Scientific, nhà cung cấp lâu năm cho các nhà sản xuất vật liệu chip như Shin-Etsu Chemical và Fujimi của Nhật Bản.
Liang cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Ông nói: “Vì vậy, đó cũng là lý do các nhà cung cấp thiết bị và công cụ của chúng tôi cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới”. Ông cho biết thêm rằng cũng có những cơ hội mới từ việc nhiều nhà sản xuất tham gia vào lĩnh vực đóng gói chip, một lĩnh vực trước đây vốn không phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất. Chẳng hạn, TSMC, Intel và Samsung đều đang đầu tư mạnh vào công nghệ đóng gói tiên tiến, một công nghệ then chốt để kết nối các loại chip khác nhau và cho phép điện toán AI mạnh mẽ hơn.
Liang cho biết: “Nhu cầu mới về thiết bị đóng gói tiên tiến cao cấp mang lại lợi nhuận tốt hơn so với hoạt động kinh doanh truyền thống. Chúng tôi đã đầu tư vào lĩnh vực này hơn 10 năm và cuối cùng nó đã tạo ra kết quả tốt trong bối cảnh chuỗi cung ứng và sự thay đổi công nghệ khổng lồ này và công nghệ ngày một thay đổi”.
XU HƯỚNG VẪN SẼ CÒN KÉO DÀI
Topco Scientific, nhà cung cấp lâu năm cho các nhà sản xuất vật liệu chip như Shin-Etsu Chemical và Fujimi của Nhật Bản, cũng đang để mắt đến hoạt động kinh doanh mới ở Đông Nam Á và châu Âu. Topco còn liên doanh với Shin-Etsu Quartz Products để sản xuất thạch anh dùng trong sản xuất chip và thiết bị điện tử.
Là nhà cung cấp lâu năm cho tất cả các nhà sản xuất chip lớn của Đài Loan, bao gồm TSMC và United Microelectronics Corp, Topco nhận thấy cần mở rộng đội ngũ của mình ở một số thị trường để đáp ứng nhu cầu mới ngày càng tăng.
Chủ tịch Jeffrey Pan cho biết Topco Scientific đang đưa Singapore làm căn cứ để mở rộng và phục vụ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam – khu vực mà ông nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về xử lý chất thải, hóa chất và vật liệu. Pan cho biết công ty cũng đã thành lập văn phòng tại Nhật Bản vào mùa hè năm ngoái và có kế hoạch mở rộng sang châu Âu ngay trong năm nay. Topco là một trong những nhà cung cấp châu Á sớm nhất thành lập văn phòng tại bang Arizona của Hoa Kỳ, nơi TSMC và Intel đều đang xây dựng các nhà máy tiên tiến.
Ông Pan nói: “Sau một năm suy thoái và có nhiều biến động đối với toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn… chúng tôi nhận thấy hoạt động tăng trưởng trở lại từ năm nay và chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng từ giữa năm 2024”.
Ông nói thêm rằng công ty của ông đã chọn thủ đô Praha của Séc làm điểm đến đầu tiên để khai thác nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu về sản xuất chất bán dẫn. Praha cách Dresden, trung tâm sản xuất chip quan trọng nhất châu Âu khoảng hai giờ lái xe.
Xu hướng các công ty Đài Loan vượt ra ngoài thị trường quê nhà có thể sẽ tiếp tục. Ông Lai cho biết: “Chúng tôi vẫn đang theo sát từng bước chân những khách hàng của mình”, đồng thời cho biết thêm rằng mặc dù Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng nhưng cạnh tranh về giá tại đây đang khốc liệt hơn bao giờ hết.
Sự thay đổi chuỗi cung ứng rộng hơn đồng nghĩa với việc nhiều năm nỗ lực đang bắt đầu được đền đáp.
“Chúng tôi đã ở Việt Nam rất lâu, kể từ năm 2008, nhưng chỉ mới bắt đầu tạo ra lợi nhuận trong những năm gần đây nhờ sự thay đổi chuỗi cung ứng. Thường sẽ phải mất hơn 5 năm để hiểu rõ thị trường và xây dựng một nền tảng địa phương có năng lực", Lai Ming-Kuen, Tổng giám đốc của Acter Group, nói.