09:15 22/07/2025

Chính sách chưa từng có để đưa nhà khoa học Việt kiều về nước

Ngô Huyền

Không thể chỉ dựa vào lực lượng dồi dào mà ngành công nghệ có thể đột phá đào tạo, Việt Nam còn cần những chuyên gia cấp cao, những tổng công trình sư đủ tài đủ tầm để dẫn dắt những dự án trọng yếu và công trình quan trọng...

Những khung pháp lý đầu tiên cho một cuộc tái thiết công nghệ đang thành hình.
Những khung pháp lý đầu tiên cho một cuộc tái thiết công nghệ đang thành hình.

Không thể chỉ dựa vào lực lượng dồi dào mà ngành công nghệ có thể đột phá đào tạo, Việt Nam còn cần những chuyên gia cấp cao, những tổng công trình sư đủ tài đủ tầm để dẫn dắt những dự án trọng yếu và công trình quan trọng. 

Từ khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, Việt Nam  thể hiện quyết tâm làm chủ công nghệ chiến lược rất rõ ràng và mạnh mẽ. Những khung pháp lý đầu tiên cho một cuộc tái thiết công nghệ đang thành hình. Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, nhằm cụ thể hóa những định hướng lớn tại Nghị quyết 57, đã được Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Với nhiều cơ chế được xem là “chưa từng có tiền lệ” cho những cá nhân và tổ chức tham gia lĩnh vực công nghệ, hai bộ luật này được kỳ vọng sau khi có nghị định hướng dẫn chính thức sẽ thực sự tạo xung lực mới cho toàn ngành. 

Tại nhiều cuộc họp cấp cao, cụm từ “tự chủ công nghệ chiến lược” liên tục được nhấn mạnh như một trong những trụ cột quan trọng để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường. Nhưng muốn làm chủ, bên cạnh khung thể chế, không thể chỉ có lực lượng dồi dào, Việt Nam cần những chuyên gia cấp cao, những tổng công trình sư đủ tài đủ tầm, để chỉ đạo triển khai các dự án, công trình quan trọng. 

CẦN “TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ” DẪN DẮT NHỮNG DỰ ÁN QUAN TRỌNG 

Hai thập kỷ qua, Việt Nam đã định hình tên tuổi trên bản đồ công nghệ toàn cầu, nhờ có những doanh nghiệp thành công vươn ra thị trường quốc tế và vì đã có những nhà khoa học có cống hiến quan trọng cho sự phát triển của những công nghệ tiên tiến AI, bán dẫn, như: TS.Lê Viết Quốc - một trong những người đứng sau những bước đột phá của Google AI; hay Huyền Chip - nữ giảng viên trẻ tại Stanford, một cái tên nổi bật trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ứng dụng...

Họ là một phần của đội ngũ tinh hoa người Việt trên toàn cầu, những người mà chỉ cần một số nhỏ trở về, cũng có thể tạo ra những đột phá cho lĩnh vực khoa học, công nghệ trong nước.

Theo một nghiên cứu về nhân lực AI toàn cầu, trong số 100 chuyên gia AI hàng đầu thế giới, có đến một nửa là người Trung Quốc đang làm việc tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã mất tới 4 thập kỷ để nuôi dưỡng nhân tài. Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu chủ động cử 3.000 sinh viên và học giả xuất sắc nhất ra nước ngoài để học tập. Đến năm 2008, con số này đã tăng lên hơn 800.000. Năm 2023, con số này đã vượt 1 triệu sinh viên. 

Trong suốt 3 thập kỷ, Trung Quốc tăng cường triển khai nhiều chính sách ưu đãi với các điều kiện hỗ trợ về nhà ở, tiền lương... để thuyết phục các chuyên gia có trình độ cao trở về nước. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ. 

Vì vậy, “sự trở về” của các nhà khoa học Việt, mang theo tri thức và kinh nghiệm quốc tế càng nhanh bao nhiêu thì Việt Nam càng sớm có cơ hội bấy nhiêu để làm chủ những công nghệ chiến lược, thực hiện các công trình quan trọng, tạo ra những đột phá thực chất cho ngành công nghệ trong nước. 

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, khẩn trương soạn thảo và ban hành cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài, nhất là trong các ngành như AI, bán dẫn, vật liệu mới,… với yêu cầu rất cụ thể: phải có cơ chế đủ sức hấp dẫn kể cả vượt khung về lương, nhà ở, điều kiện làm việc để mời gọi ít nhất 100 chuyên gia công nghệ hàng đầu về nước, hoàn thành ngay trong tháng 8/2025.

Trước mắt, Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực từ đầu năm 2026 sẽ thiết lập những đãi ngộ chưa từng có. Không chỉ dừng lại ở chính sách thuế hay điều kiện cư trú thuận lợi, Luật còn đưa ra các cơ chế lương, thưởng có thể cạnh tranh trực tiếp với thị trường nhân lực toàn cầu. Từ không gian sống, phương tiện đi lại, điều kiện làm việc, đến hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu, hoạt động quốc tế… đều được thiết kế theo hướng “mở rộng biên độ đãi ngộ”.

QUYẾT TÂM “ĐÓN” CÁC CHUYÊN GIA CẤP CAO TRỞ VỀ 

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc xóa bỏ các “rào cản” về thể chế để “trải thảm đỏ” cho những người thực sự có năng lực. Luật quy định: nếu là công dân Việt Nam, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghệ chất lượng cao, sẽ được xét tiếp nhận vào làm công chức, viên chức mà không cần thi tuyển, xét tuyển như thông lệ. Thậm chí, có thể được bổ nhiệm chức vụ quản lý, lãnh đạo mà không bị ràng buộc bởi điều kiện về quy hoạch hay thời gian công tác nếu tổ chức có nhu cầu.

Không chỉ người Việt, chính sách cũng cởi mở hơn với chuyên gia nước ngoài. Thay vì chỉ được cấp thẻ tạm trú 2 năm như trước, những chuyên gia đạt tiêu chí chất lượng cao có thể được cấp thẻ lên đến 5 năm. Gia đình, bao gồm vợ/chồng và con dưới 18 tuổi, cũng được cấp thẻ tạm trú tương đương và được tạo điều kiện trong học tập, tuyển sinh, việc làm. Đặc biệt, họ cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu làm việc tại Việt Nam.

Theo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2025 tới đây, các nhà khoa học sẽ được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ kết quả nghiên cứu. 

Các cá nhân, tổ chức nghiên cứu được ưu tiên nhận tài trợ, vay vốn và bảo lãnh vốn vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đầu tư mạo hiểm quốc gia, nhằm triển khai hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. 

Một thay đổi có tính đột phá là việc chuyển toàn bộ hoạt động nghiên cứu sang cơ chế khoán chi. Tức là, sau khi được cấp vốn, tổ chức nghiên cứu có toàn quyền chủ động trong mọi khoản chi tiêu, từ trả lương, mua thiết bị, tổ chức đội ngũ… chỉ cần lưu lại chứng từ để phục vụ hậu kiểm. 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Chính sách chưa từng có để đưa nhà khoa học Việt kiều về nước - Ảnh 1