10:45 12/12/2008

Vì sao giá gas trong nước chậm điều chỉnh?

Thúy Nhung

Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) mới đây đã đưa ra nhiều thông tin lý giải cơ chế vận hành giá gas trong nước

 Cả nước hiện có 80 doanh nghiệp cùng kinh doanh gas với mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng đại lý bán lẻ.
Cả nước hiện có 80 doanh nghiệp cùng kinh doanh gas với mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng đại lý bán lẻ.
Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) mới đây đã đưa ra nhiều thông tin lý giải cơ chế vận hành giá gas trong nước.

Tại diễn đàn “Cộng đồng doanh nghiệp gas hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh”, được tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội, PV Gas - đơn vị chiếm 60-70% sản lượng cung cấp cho thị trường gas trong nước - cho biết đến thời điểm hiện tại, nhà máy khí Dinh Cố, nơi sản xuất gas duy nhất trong nước, cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ, tương đương với sản lượng xấp xỉ 300 ngàn tấn/năm.

Theo kế hoạch, nhà máy lọc dầu Dung Quất khi đi vào hoạt động cũng chỉ có thể cung cấp thêm cho thị trường thêm khoảng 300 ngàn tấn gas/năm. Như vậy, cho đến năm 2010, sản xuất gas trong nước mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa.

Theo PV Gas, điều này đã khiến cho cơ chế giá bán gas trong nước được xây dựng theo giá nhập khẩu chung của thế giới. Trong khi đó, nguồn gas nhập khẩu thường được ký hợp đồng định hạn từ sáu tháng đến một năm. Tuỳ theo nguồn gas xuất khẩu từ các khu vực mà kế hoạch nhập khẩu phải thường được dự kiến và sắp xếp trước khoảng 1-2 tháng.

Thông thường nếu nhập từ các nước Đông Nam Á thì phải đặt tàu trước 35 ngày, tại các nước châu Á phải đặt tàu trước 45 ngày. Riêng khu vực Trung Đông thời gian này phải là 2 tháng.

Chính vì vậy, theo PV Gas, giá gas không thể thay đổi theo giá biến động từng ngày của thế giới mà phải áp dụng cho cả tháng theo mức giá được thông báo vào đầu tháng.

Đại diện tổng công ty này cũng cho biết, trên thị trường gas trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh gas chỉ công bố giá bán xuất xưởng, không quản lý được giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Do vậy, khi có biến động về giá cả thị trường, doanh nghiệp sẽ bị các nhà đầu cơ gom hàng giá rẻ để sau đó bán với giá cao hơn.

Theo số liệu thống kê của PV Gas, trong năm 2008, nhu cầu sử dụng gas của Việt Nam vào khoảng 900 ngàn tấn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ gas đến năm 2010 sẽ là 1,1 triệu tấn (với tốc độ tăng trưởng khoảng 5%).

Cả nước hiện có 80 doanh nghiệp cùng kinh doanh gas với mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, cảng kho chứa, phương tiện chuyên chở… vẫn còn chậm phát triển, quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch tổng thể.