13:29 18/11/2010

Vì sao Ireland chưa muốn được giải cứu?

An Huy

Dù đang đứng trước nguy cơ trở thành một “Hy Lạp thứ hai”, Ireland vẫn chưa chịu lên tiếng đề nghị sự giúp đỡ từ bên ngoài

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Brian Lenihan - Ảnh: AP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Brian Lenihan - Ảnh: AP.
Dù đang đứng trước nguy cơ trở thành một “Hy Lạp thứ hai”, Ireland vẫn chưa chịu lên tiếng đề nghị sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tờ Economist đã đưa ra một số lý do để giải thích.

Tới thời điểm này, không chỉ khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà ngay cả nước Anh, quốc gia không sử dụng đồng Euro, cũng tỏ thái độ sẵn sàng giúp đỡ Ireland - quốc gia đang ngập sâu trong khủng hoảng nợ công và ngân hàng.

Một phái đoàn có sự tham gia của các quan chức từ Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tới Dublin vào ngày hôm nay (18/11) để bắt đầu cuộc khảo sát tình hình hệ thống nhà băng Ireland, nhằm xác định xem những ngân hàng nào có thể được vực dậy với sự hỗ trợ quốc tế và những định chế nào cần được giải thể.

Về phần mình, trong những phát ngôn mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland, ông Brian Lenihan, cũng đã thể hiện quan điểm rõ ràng về sự cần thiết phải nhận viện trợ từ bên ngoài để tránh sự đổ vỡ dây chuyền.

“Mặc dù Chính phủ Ireland đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng Ireland là một quốc gia nhỏ và nếu những vấn đề trong hệ thống ngân hàng là quá lớn để quốc gia nhỏ này có thể vượt qua, châu Âu đã tỏ rõ quan điểm là họ sẽ giúp đỡ và giúp đỡ bằng mọi cách có thể để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng của Ireland. Bởi vì Ireland là một phần của hệ thống đồng Euro… và đó là khuôn khổ mà Ireland tồn tại”, ông Lenihan phát biểu trên kênh truyền hình RTE của Ireland.

Các quan chức khác của Ireland cũng phát tín hiệu rằng, vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt là quá lớn.

Trong khi đó, trong những phát ngôn chính thức, Chính phủ Ireland vẫn khẳng định, một chương trình giải cứu của châu Âu “không phải là tất yếu”. Các quan chức của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thì tuyên bố trước dư luận rằng, họ chưa nhận được lời đề nghị giúp đỡ nào từ phía Dublin.

Tuy vậy, giới quan sát tin rằng, một gói giải cứu trị giá 50-100 tỷ Euro dành cho Ireland sẽ được công bố trong vài ngày tới, chậm nhất cũng chỉ vài tuần.

Vậy tại sao Ireland chưa nhận tiền cứu trợ ngay lúc này và chấm dứt những lời đồn thổi tai hại trên thị trường tài chính toàn cầu?

Theo Economist, một phần lý do nằm ở vấn đề chính trị. Với lực lượng đa số mỏng manh và phải đối mặt với một cuộc bầu cử phụ vào cuối tháng này, Chính phủ Ireland lo ngại một gói giải cứu cấp quốc gia sẽ làm tổn hại tới uy tín chính trị của họ.

Nếu được EU và IMF giải cứu, thì Chính phủ Ireland chỉ muốn bên ngoài nhìn vào đó là một kế hoạch dành cho hệ thống ngân hàng của nước này, thay vì dành cho bản thân Chính phủ, rằng vấn đề tài chính của Chính phủ là độc lập và ít dính dáng tới các ngân hàng.

Trên thực tế, EU cũng muốn giúp Ireland “che đậy” bản chất vấn đề. Sau một cuộc họp khẩn ngày 16/11, bộ trưởng bộ tài chính khối Eurozone tuyên bố cử phái đoàn tới Ireland, nhưng chỉ với danh nghĩa là tham vấn Dublin để “xác định cách tốt nhất nhằm cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết những rủi ro thị trường, đặc biệt là những rủi ro liên quan tới ngành ngân hàng”. Tuyên bố chính thức của các quan chức sau cuộc họp này không đả động gì tới vấn đề giải cứu Ireland ở cấp quốc gia.

Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, Ireland không giống như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, rằng Ireland đã chấp nhận những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mạnh tay, và nền kinh tế Ireland cũng có năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Bản thân EU cũng đối mặt nhiều thách thức với ý định giải cứu Ireland. Việc thuyết phục người đóng thuế ở khu vực chấp nhận dùng tiền thuế để cứu chính phủ một quốc gia khác đã là khó, thuyết phục họ cứu hệ thống ngân hàng của một nước khác càng khó hơn. Với quan điểm thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, đã tuyên bố rằng, nếu Ireland được cứu trợ, thì đó sẽ không chỉ là “một kế hoạch cứu các ngân hàng”.

Ngoài lý do liên quan tới tự tôn dân tộc, một lý do khác khiến Ireland chưa lên tiếng đề nghị giải cứu là hy vọng, chỉ cần EU tỏ thái độ sẵn sàng giúp đỡ là đã đủ sức trấn an được những lo ngại của thị trường. Việc công bố kế hoạch ngân sách 4 năm của Ireland sắp tới cũng có thể làm giảm bớt tâm trạng bi quan của giới đầu tư.

Ngoài ra, các thanh tra tài chính quốc tế khi kiểm tra hệ thống ngân hàng của Ireland có thể đưa ra kết luận rằng, tổn thất của các nhà băng ở nước này không đến mức tồi tệ như lo ngại của nhiều người.

Những giải tỏa trên có lẽ chưa đủ để Ireland không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng cũng có khả năng trì hoãn và làm giảm quy mô của chương trình giải cứu. Nhờ đó, những điều kiện đi kèm gói giải cứu cũng sẽ hạn chế hơn.

Trong số những điều kiện mà EU và IMF có thể đưa ra cho Ireland để đổi lấy một kế hoạch giải cứu, Dublin lo ngại hơn cả là yêu cầu tăng thuế doanh nghiệp. Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp ở Ireland là 12,5%, vào hàng thấp nhất ở châu Âu.

Các quốc gia khác cho rằng, thuế suất thấp ở Ireland là một dạng của cạnh tranh không bình đẳng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Áo Josef Proll đã nói bóng gió rằng, nếu EU cứu Ireland, thì điều kiện sẽ bao gồm yêu cầu Ireland tăng thuế đánh vào các doanh nghiệp.

Trong khi đó, thuế suất thấp gần như được xem là “chuyện đương nhiên” ở Ireland, nhận được sự đồng thuận của cả cánh hữu lẫn cánh tả. Các quan chức của Ireland lập luận rằng, tăng thuế doanh nghiệp xét cho cùng chẳng đem lại lợi ích gì, mà thậm chí còn phản tác dụng vì sẽ cản trở đầu tư, thúc đẩy các công ty lớn rời đi. Theo họ, giải pháp tốt hơn là mở rộng đối tượng phải nộp thuế thu nhập.

Economist kết luận, cuộc khủng hoảng ở Ireland xem ra có nhiều nghịch lý. Các nhà lãnh đạo châu Âu thì sốt sắng cứu các ngân hàng của Ireland hơn cả Chính phủ Ireland muốn, và cũng bất bình với mức thuế suất doanh nghiệp thấp ở Ireland hơn cả các cử tri ở nước này.