Vì sao nhiều người di cư mạo hiểm mạng sống để vào Anh?
Việt Nam nằm trong top 10 nước có lượng di dân không giấy tờ tìm cách vào Anh nhiều nhất trong năm 2018
Vụ việc 39 người chết trong thùng xe tải ở hạt Essex Anh vẫn đang được điều tra, nhưng nhiều người lật lại câu hỏi vì sao những người di cư sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình để vào Anh.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc (UN), kể từ khủng hoảng nhập cư vào năm 2014, hàng nghìn người đã chết khi cố gắng tới châu Âu, trên các thùng xe tải hoặc những con tàu thô sơ vượt biển.
Tuyệt vọng ở quê nhà
Theo Debbie Busler, đứng đầu bộ phận hỗ trợ người tị nạn của Hội Chữ Thập Đỏ Anh, những người này có nhiều lý do để rời đất nước của mình, ví dụ như muốn thoát khỏi tình trạng bạo lực hay nguy cơ bị giết, tra tấn, hãm hiếp ở quê nhà.
"Nhiều người tuyệt vọng tới mức muốn rời khỏi quê hương để tìm một nơi trú thân an toàn, họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình", bà Busler cho biết. "Mạo hiểm mạng sống còn tốt hơn những gì họ đang muốn thoát khỏi ở quê nhà".
Theo phóng viên Nick Thorpe, phụ trách khu vực Đông Âu của BBC, việc dựng hàng rào ở biên giới Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến những người tị nạn phải tìm kiếm các phương thức khác để vào châu Âu.
"Hầu hết người tị nạn muốn vào Tây Âu đều đến đây trong các xe tải chở hàng", Thorpe cho biết. "Mạng lưới buôn người sẽ chuyển họ cho các đối tượng khác. Họ được đưa tới các nhà 'an toàn' ở Bulgaria, thường gần biên giới Serbia hoặc Romania, để sau đó lên xe tải và bắt đầu hành trình tới Tây Âu", Thorpe cho biết.
Theo Thorpe, từ năm 2016, ngày càng có ít con đường hợp pháp để vào Tây Âu. Số liệu chính thức cho thấy số lượng người đăng ký tị nạn vào khu vực này giảm, nhưng số người đi theo con đường bất hợp pháp khó thống kê hơn.
Theo Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA), việc xác định những người nhập cư kiểu này vào Anh là nhiệm vụ khó khăn. Riêng trong năm 2018, có khoảng 3,6 triệu xe tải và container vào Anh qua 40 cảng chính, số liệu của Bộ Giao thông nước này cho biết.
"Đường biển dài của Anh và lượng hành khách, hàng hoá lớn vào nước này mỗi năm khiến cho việc phát hiện các phương tiện chở người nhập cư bất hợp pháp vô cùng khó khăn", người phát ngôn của NCA cho biết. "Các đối tượng buôn người lợi dụng các xe tải đông lạnh với thùng xe dày để đưa người nhập cư vào Anh".
Vì sao là Anh mà không phải Pháp?
Ngoài việc ngồi trong các thùng xe tải, nhiều người chọn cách băng qua Kênh đào Anh từ Pháp tới Anh vào ban đêm trên các con thuyền bằng cao su, bất chấp nguy cơ bị chết đuối hoặc chết cóng. Dù có thể mất mạng, nhiều người vẫn sẵn sàng trả tiền cho những kẻ buôn người để thực hiện hành trình nguy hiểm này. Vậy tại sao họ lại chọn Anh thay vì ở lại Pháp?
Theo các nhà phân tích, Pháp về cơ bản ngang với với Anh về GDP đầu người và chính sách bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, phần lớn nước Pháp có thời tiết tốt hơn so với tại Anh.
Tuy nhiên, nền kinh tế Anh được xem là thịnh vượng và mang lại nhiều cơ hội hơn so với tại Pháp. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp là 9,1%, gấp đôi với với 4,1% tại Anh, theo dữ liệu từ trang Trading Economics. Nói cách khác, với những người muốn làm việc, Anh là địa chỉ tốt hơn so với Pháp.
Một số nhà phân tích cho rằng bên cạnh nguyên nhân kinh tế, điều hấp dẫn khác ở Anh là những phúc lợi hào phóng và chính sách dành cho người tị nạn tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc thiếu những con đường hợp pháp và an toàn tới Anh là một phần nguyên nhân khiến những người muốn di cư vào nước này chấp nhận những con đường mạo hiểm tính mạng.
Dữ liệu chính thức cho thấy, trong 1 năm tính tới tháng 6/2019, Anh đã bảo hộ tị nạn, bảo hộ nhân đạo hoặc có biện pháp hỗ trợ tái định cư cho 18.519 người. Tuy nhiên, để được tị nạn tại Anh là điều không hề dễ dàng, nơi chỉ nhận chưa tới 1% người tị nạn toàn cầu.
Hơn nữa, chính sách khắt khe, bao gồm việc giam di dân (Anh là một trong số ít quốc gia trên thế giới không giới hạn thời gian giam giữ di dân), khiến nhiều người muốn xin tị nạn nản lòng bởi họ sợ sẽ bị giam giữ lâu dài.
Theo tờ Guardian, năm ngoái, có hơn 35.000 người bị chặn lại tại các trạm kiểm soát đặt ở biên giới Anh với Bỉ và Pháp. Cũng trong năm ngoái, hơn 8.000 người di cư bất hợp pháp bị phát hiện tại Anh - ở các bến cảng hoặc trên các phương tiện chở hàng. Những nước có lượng di dân không có giấy tờ tìm cách nhập cư trái phép vào Anh nhiều nhất trong năm 2018 gồm Eritrea, Iraq, Afghanistan, Iran, Albania, Sudan, Việt Nam, Pakistan, Syria và Ethiopia.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thời hạn của thỏa thuận Brexit đang càng gần, các di dân càng bất chấp mạo hiểm bởi sợ rằng cánh cửa vào Anh sẽ hẹp dần. Điều này khiến ngày càng nhiều người sẵn sàng chi hàng nghìn euro cho những kẻ buôn người hoặc tự mạo hiểm vượt biển sang Anh.
Theo tổ chức từ thiện Hội đồng chung về Phúc lợi của Người nhập cư, chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm về những cái chết của người nhập cư vì những chính sách của mình. Tổ chức này cho rằng Anh cần mở các tuyến an toàn và hợp pháp vào nước này và nhanh chóng ra quyết định cho những người muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Anh.