Vì sao Trung Quốc bất ngờ siết kiểm soát thị trường gia sư 120 tỷ USD?
Ước tính, thị trường gia sư trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng trưởng 10% trong năm 2020, trong khi toàn ngành công nghiệp dạy thêm đạt giá trị 120 tỷ USD...
Hồi tháng 3, khi đại diện của một số công ty gia sư hàng đầu Trung Quốc bị triệu tập đến một cuộc họp với Bộ Giáo dục Trung Quốc, họ được thông báo rằng những tài liệu và nội dung giảng dạy của họ sẽ được xem là các ấn phẩm giáo dục và phải qua kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Theo những người có mặt tại cuộc họp, đại diện các công ty đồng ý sẽ hợp tác nhưng cũng giải thích rằng họ không thể thay đổi giáo trình giảng dạy chỉ trong ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng với các nhà quản lý giáo dục bởi công việc này cần một lượng lớn nhân viên để tiến hành đánh giá theo quy định, nguồn tin từ cuộc họp cho hay.
NHỮNG BIỆN PHÁP SIẾT GIÁM SÁT CHƯA TỪNG CÓ
Tới tháng 7, khi Bộ Giáo dục Trung Quốc còn chưa công bố kế hoạch chi tiết cho việc này, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua lệnh cấm các công ty gia sư kiếm tiền từ việc dạy các môn học chính. Chính phủ nước này cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty dịch vụ gia sư dù đây là con đường huy động vốn chủ đạo của các công ty suốt nhiều năm qua.
Theo đó, cả ngành công nghiệp luyện thi trị giá hàng chục tỷ USD - từ lâu được xem là không thể thiếu đối với học sinh Trung Quốc - hoàn toàn bị đảo lộn.
“Các biện pháp siết quản lý chưa có tiền lệ này bắt nguồn từ cấp cao hơn Bộ Giáo dục”, nguồn tin nói với tờ SCMP. “Đối tượng của việc này không chỉ là lĩnh vực giáo dục tư nhân mà toàn ngành giáo dục”.
Theo nguồn tin, việc này xuất phát từ mối quan ngại của lãnh đạo cấp nhà nước, bởi họ cho rằng phương pháp giảng dạy và hệ tư tưởng giáo dục phải do chính quyền trung ương kiểm soát, trong khi lĩnh vực gia sư lại có phương pháp riêng và đi ngược với ý định của nhà nước.
Ngành công nghiệp gia sư đang được nhiều gia đình giàu có và tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc xem là công cụ để có cuộc sống tốt hơn và nâng cao vị thế xã hội. Theo tạp chí nhà nước China News Weekly, ngành công nghiệp này hiện có hàng triệu người lao động, trong đó nhiều người làm việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập hoặc trang trải học phí đại học.
Trong khi nhiều công ty gia sư phá sản hoặc đóng cửa do đại dịch, một số nền tảng giáo dục trực tuyến lớn hơn ngày càng mở rộng do nhu cầu gia tăng và cần huy động lượng vốn khổng lồ. Trong năm 2020, Trung Quốc ghi nhận 13 công ty giáo dục niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó, chỉ có một công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục, còn lại niêm yết tại Hồng Kông và Mỹ, theo PwC.
Theo ước tính nền tảng phân tích và khai thác dữ liệu iiMedia Research, thị trường giáo dục trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng trưởng 10% trong năm 2020, đạt giá trị 454 tỷ Nhân dân tệ (70,25 tỷ USD). Trong khi đó, toàn ngành công nghiệp dạy thêm ước tính đạt giá trị 120 tỷ USD.
Năm ngoái, hãng nghiên cứu và tư vấn Frost & Sullivan dự báo thị trường dạy thêm trực tuyến của Trung Quốc sẽ đạt giá trị 99,3 tỷ USD vào năm 2023.
Vài năm gần đây, các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, gồm Alibaba, Tencent và ByteDance, đều tham gia đường đua đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
“Thị trường này đang có những diễn biến thiếu thận trọng và chính quyền trung ương đang phát đi tín hiệu rằng lĩnh vực giáo dục cần phải giữ một khoảng cách nhất định với vốn đầu tư bởi quá nhiều vốn sẽ gây ra bất công trong xã hội và không phù hợp với một số triết lý của chính phủ”, bà Miao Lu, Tổng thư ký Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho biết.
Bà Miao cũng cho biết thêm rằng lãnh đạo cấp trung ương tại Trung Quốc luôn đặc biệt quan tâm tới hệ tư tưởng trong giáo dục.
“Việc này có vẻ giống như chính quyền trung ương đang phanh gấp vậy. Nhưng nếu không làm vậy, cuộc cạnh tranh khốc liệt về vốn sẽ không dừng lại. Việc hoạch định chính sách của Trung Quốc luôn có quá trình cân bằng và tôi cho rằng mọi thứ sẽ sớm cân bằng trở lại”, bà Miao nhận định.
GÁNH NẶNG VỚI PHỤ HUYNH VÀ HỌC SINH, XÁO TRỘN TRẬT TỰ GIÁO DỤC?
Một học giả giấu tên cho biết việc siết chặt quản lý lĩnh vực giáo dục diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tái thiết ngành giáo dục trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc của nước này vào năm tới - sự kiện sẽ làm rung chuyển giới chính trị hàng đầu Trung Quốc.
“Dịch vụ gia sư sau giờ học chính khóa giúp tầng lớp trung lưu duy trì vị thế xã hội và củng cố khả năng tự lực của họ”, vị học giả cho biết. “Một mặt, Trung Quốc cần phụ thuộc vào tầng lớp trung lưu để phát triển kinh tế. Mặt khác, tầng lớp trung lưu quá quyền lực cũng có thể là một thách thức đối với các nhà cầm quyền”.
Từ hơn hai tháng trước, đã có nhiều đồn đoán về các động thái siết chặt giám sát đối với lĩnh vực gia sư. Giới quan sát trong ngành cho biết hầu hết các công ty giáo dục đều đang chờ đợi và xem xét tình hình, trong khi một số đã bắt đầu thảo luận về việc thực hiện quá trình chuyển đổi.
Trước đó, Trung Quốc đã hạn chế việc giao bài tập về nhà và số giờ phát sóng trực tiếp đối với các gia sư trực tuyến. Đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan kiểm soát nội bộ cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết nhà nước cần tăng cường giám sát đối với giáo dục trực tuyến bởi lĩnh vực này đang nằm trong “vòng xoáy tư bản”. Tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục nước này đã thành lập một bộ phận mới để giám sát hoạt động dạy thêm sau giờ học chính khóa.
Vào năm 2018, ông Tập Cận Bình cũng lên tiếng chỉ trích hoạt động gia sư sau giờ học. Ông cho rằng hoạt động này làm “gia tăng gánh nặng đối với học sinh và phụ huynh”,“vi phạm các luật về giáo dục” cũng như “gây xáo trộn trật tự thông thường của hoạt động giáo dục”.
“Một lĩnh vực cần sự tận tâm không thể biến thành một ngành công nghiệp vì lợi nhuận. Các tổ chức luyện thi ngoài trường học phải được điều chỉnh bởi luật pháp để họ có thể trở lại đúng đường lối giáo dục con người”, phát biểu của ông Tập Cận Bình được trích dẫn trong cuốn sách “Xi Jinping: The Governance of China” tập 3 (tạm dịch: Tập Cận Bình: Quản trị Trung Quốc).
"DÌM" GIA SƯ, CHÚ TRỌNG DẠY NGHỀ
Dù siết chặt giám sát với lĩnh vực gia sư, Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay cho hoạt động giáo dục dạy nghề - vốn nằm trong cả kế hoạch Made in China 2025 (đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu) và Sáng kiến Vành đai Con đường (kết nối các nền kinh tế vào mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trọng tâm) của Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục dạy nghề lớn nhất thế giới. Theo Tân Hoa Xã, năm 2020, chính phủ nước này đã phân bổ 25,71 tỷ Nhân dân tệ (gần 4 tỷ USD) để thúc đẩy hoạt động giáo dục dạy nghề. Các nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh rằng, với những học sinh không có cơ hội học đại học, học nghề là một con đường khác để phát triển bản thân.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc thường không thích các trường dạy nghề và việc chính phủ siết chặt kiểm soát hoạt động gia sư khiến họ không khỏi lo lắng.
“Mỗi ngày tôi đều lo sợ. Tôi không biết liệu có thể cho con gái mình hoàn thành các lớp gia sư đã đăng ký hay không. Tôi không thể chấp nhận việc phải ngừng đưa con tới các lớp gia sư sau giờ học, bởi vì cơ chế tuyển sinh của các trường không thay đổi và mọi phụ huynh đều muốn con mình được học ở một trường tốt hơn và hưởng sự giáo dục tốt hơn”, bà Zhang, một phụ huynh ở Bắc Kinh, chia sẻ.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc (CSE), năm 2016, hơn 75% học sinh từ 6-18 tuổi ở nước này học thêm sau giờ học chính khoá ở trường.
Tuy nhiên, lĩnh vực gia sư đã bắt đầu chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên. Cuối tháng trước, trong một cuộc họp trực tuyến với hơn 9.000 nhân viên, Zhang Xinbang - người đồng sáng lập, chủ tịch của công ty dịch vụ giáo dịch TAL Education, cho biết sẽ không thể tránh khỏi việc phải sa thải một số nhân viên. TAL hiện đang niêm yết tại Mỹ.
Bà Miao của CCG cho rằng những thay đổi trong tương lai đối với ngành giáo dục Trung Quốc cần phải tính đến lực lượng lao động hùng hậu bởi lĩnh vực này không thể hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ.
“Với những cải cách và mở cửa, đặc biệt vài năm gần đây, hoạt động giáo dục định hướng thị trường đã giúp Trung Quốc hiện đại hóa và quốc tế hóa ngành giáo dục và những người này đóng vai trò tích cực trong quá trình đó. Đất nước này vẫn cần đến họ trong tương lai”, bà Miao nhận định.