13:26 15/11/2015

Viễn cảnh chiến tranh hậu khủng bố Paris

Bình Minh

Ngoài vụ khủng bố Paris, hai tuần qua đã chứng kiến một loạt vụ tấn công lớn khác mà IS lãnh trách nhiệm

Cảnh sát Pháp tuần tra trên đường phố Paris ngày 14/11, sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra đêm 13/11 - Ảnh: Reuters.<br>
Cảnh sát Pháp tuần tra trên đường phố Paris ngày 14/11, sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra đêm 13/11 - Ảnh: Reuters.<br>
Vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp ngày 13/11 có thể sẽ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ của phương Tây đối với tổ chức phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Khả năng này là lớn, bởi chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu hơn một năm qua chưa thể kiểm soát được một tổ chức khủng bố đang chứng tỏ là một mối đe dọa ngày càng lớn đối với toàn thế giới - hãng tin Reuters đánh giá.

Áp lực gia tăng

Nước Mỹ, vốn từ lâu bị chỉ trích là không cương quyết trong cuộc chiến chống IS, đang đối mặt với áp lực gia tăng cả trong lẫn ngoài nước đòi hỏi phải hành động quyết liệt hơn. 

Các chuyên gia cho rằng, sau vụ thảm sát Paris, Washington sẽ cân nhắc tăng cường chiến dịch, bao gồm khả năng mở rộng năng lực không kích.

Giới chức Mỹ cho hay, đặc biệt, Washington sẽ thuyết phục đồng minh ở châu Âu và Arab tham gia nhiều hơn về mặt quân sự vào cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Syria.

Vào thời điểm này, chưa thể khẳng định liệu Paris và Washington có sẵn sàng mở rộng triệt để phạm vi dính líu quân sự hay không, xét tới tâm lý không muốn bị lún sâu vào một cuộc chiến trên mặt đất quy mô lớn ở Trung Đông. 

Nhưng trong mấy tháng gần đây, Tổng thống Barack Obama đã cam kết nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS. 

Các nhà làm luật Mỹ và giới chuyên gia chống khủng bố đang xem vụ tấn công ở Paris là cơ sở để củng cố dự báo Washington sẽ bổ sung sức mạnh quân sự cho cuộc chiến này. 

IS đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ khủng bố đêm thứ Sáu khiến 129 người thiệt mạng ở Paris. Đây là vụ thảm sát đẫm máu nhất mà nước Pháp phải hứng chịu kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Ngoài vụ khủng bố Paris, hai tuần qua đã chứng kiến một loạt vụ tấn công lớn khác mà IS lãnh trách nhiệm. 

Hai vụ đánh bom tự sát ở khu vực người Hồi giáo dòng Shi’ite ở thủ đô Beirut của Lebanon khiến 43 người thiệt mạng. 

Một máy bay chở khách của Nga đã rơi xuống bán đảo Sinai của Ai Cập khiến không một ai trong số 224 người trên máy bay sống sót.

Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, nhân vật hàng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nhận xét rằng, chiến lược không kích có giới hạn kết hợp với hỗ trợ lực lượng bộ binh ở Iraq và Syria mà chính quyền Obama đang áp dụng rõ ràng “không đủ để bảo vệ đất nước của chúng ta và đồng minh của chúng ta”.

Theo bà Feinstein, IS đang mở rộng hoạt động nhanh chóng bên ngoài Iraq và Syria, và “đó là lý do vì sao mà chúng ta phải chiến đấu với chúng ngoài những nơi này”.

Ông Bruce Riedel, cựu chuyên gia của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về Trung Đông, nói loạt vụ tấn công gần đây đã chấm dứt vĩnh viễn cuộc tranh luận về việc liệu IS sẽ chỉ tập trung vào cuộc chiến ở Iraq và Syria hay không.

“Trước đây, nhiều người tranh luận liệu IS sẽ tập trung trong nước hay tiến ra toàn cầu. Tôi cho rằng, cuộc tranh luận này đã kết thúc”, ông Riedel, hiện là một chuyên gia thuộc Viện Brookings, phát biểu.

Các ứng cử viên Cộng hòa đang chạy đua giành vị trí đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử năm 2016 cũng đã gia tăng sức ép sau vụ khủng bố Paris.

Một trong số họ, cựu Thống đốc bang Florida Jeb bush, nói những kẻ khủng bố theo đạo Hồi đã tham gia vào “một nỗ lực có tổ chức nhằm phá hủy nền văn minh phương Tây” và nước Mỹ cần đi đầu trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố này.

“Đây là cuộc chiến của thời đại chúng ta”, ông Bush phát biểu trong một chương trình phát thanh đêm 13/11.

Pháp, quốc gia miêu tả vụ khủng bố Paris như một hành động chiến tranh, có thể sẽ nhanh chóng gia tăng đóng góp cho chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu IS. 

Trước khi xảy ra vụ thảm sát, Pháp đã tuyên bố triển khai hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này, tàu Charles de Gaulle, tới Trung Đông từ ngày 18/11.

“Vài ngày nữa là tàu sân bay Pháp lên đường tới vùng Vịnh để phục vụ cho chiến dịch không kích. Tôi nghĩ là nước Pháp sẽ còn làm nhiều việc nữa”, ông Martin Reardon, một cựu quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhận định.

Đã hết kiên nhẫn?

Mới tháng trước, Tổng thống Obama đã nhất trí cử lực lượng đặc biệt của Mỹ tới Syria để phối hợp với các chiến binh thuộc phe đối lập của nước này trên mặt đất - điều mà trước đó người đứng đầu Nhà Trắng còn chần chừ. 

Ngoài ra, ông Obama cũng đã triển khai thêm máy bay ném bom của Mỹ tới căn cư sở Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức Mỹ cho biết họ đang thảo luận với các nước đồng minh, bao gồm các quốc gia Arab, nhằm thuyết phục các nước này tăng cường vai trò trong chiến dịch không kích. 

Ngoài ra, các cuộc thảo luận cũng đang diễn ra xung quanh việc liệu các đồng minh của Mỹ có triển khai lực lượng đặc biệt của họ ở Iraq và Syria hay không.

Theo chuyên gia Riedel và một số cựu quan chức của Mỹ, một cách nhanh chóng để Washington và đồng minh có thể gây thiệt hại cho IS là tăng cường áp lực đối với cơ quan đầu não của tổ chức khủng bố này. Áp lực này đã đều đặn gia tăng thông qua những cuộc không kích trúng mục tiêu trong những tháng gần đây.

Cùng ngày xảy ra vụ khủng bố Paris, Mỹ đã mở một chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh của IS ở Libya. Chỉ một ngày trước đó, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt được một nhân vật khét tiếng khác của IS, “John thánh chiến”, tên đao phủ máu lạnh từng xuất hiện trong một loạt đoạn băng video hành quyết con tin phương Tây của tổ chức khủng bố này.

Giới chức Mỹ cho rằng những cuộc không kích hiệu quả như vậy là bằng chứng cho thấy nước Mỹ có thể mở rộng chiến trường chống IS.

“Chúng tôi có thể lần theo IS ở bất kỳ nơi đâu chúng tôi có thể tấn công chúng”, một quan chức Mỹ nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa muốn trút bom trực tiếp xuống các tòa nhà trụ sở của IS là Raqqa, Syria. Theo một số nguồn tin thân cận, sự lưỡng lự này của Washington là do nguy cơ gây thương vong lớn cho dân thường.

Hiện còn chưa rõ liệu sự kiềm chế này của nước này có tiếp tục, và liệu chính quyền Obama có nới lỏng các nguyên tắc về không kích mà một số nghị sỹ Mỹ cho là quá chặt chẽ.

Theo các quan chức và chuyên gia phân tích, một vấn đề nữa là liệu nước Anhh có mở rộng các cuộc không kích và gia tăng các tài sản tình báo không quân mà nước này đã triển khai ở Iraq và Syria.

Đến nay, London vẫn chưa không kích IS ở Syria và mặc dù được cho là muốn làm điều này, Thủ tướng Anh David Cameron đang vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ. 

“Vấn đề là vụ tấn công khủng bố ở Paris liệu có thay đổi quan điểm của Quốc hội Anh hay không”, vị quan chức Mỹ nói.