18:29 06/12/2015

“Việt Nam cần một chính sách cạnh tranh mới”

Nguyên Vũ

Vẫn còn những rào cản đang bóp nghẹt cạnh tranh và sáng tạo trong nền kinh tế

Khuyến nghị từ báo cáo đề dẫn là Việt Nam cần ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường - Minh họa: Khều.
Khuyến nghị từ báo cáo đề dẫn là Việt Nam cần ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường - Minh họa: Khều.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đặc điểm là cạnh tranh yếu và không công bằng, đối tác Australia nhận định tại báo cáo đề dẫn về thể chế thị trường ở Diễn đàn Đối tác phát triển 2015 vừa diễn ra.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, thể chế thị trường hiệu quả và quản trị kinh tế thông minh là yếu tố quyết định, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua TPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Những rào cản đang bóp nghẹt

Theo đối tác Australia, việc Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào chính như năng lượng và đất đang tạo ra các tín hiệu thị trường sai lệch về chi phí cơ hội của nguồn lực. Do đó nhiều quyết định không hiệu quả vẫn được thực hiện, ảnh hưởng xấu đến kết quả tổng thể của nền kinh tế.

Ở nhiều lĩnh vực khác doanh nghiệp Nhà nước vẫn có vai trò thống lĩnh và có thể dễ dàng bóp nghẹt cạnh tranh, ví dụ như trường hợp Vinafood 1 và Vinafood 2 ở thị trường xuất khẩu gạo, đối tác Australia nhìn nhận cụ thể hơn.

Tình trạng ở nhiều thị trường thực thi pháp luật yếu cũng được báo cáo đề dẫn đánh giá là đã tạo điều kiện cho buôn lậu, hàng giả và gian lận trở nên lan tran và gây ra tác hại cho sản xuất, phúc lợi người tiêu dùng và thu ngân sách.

Một nguyên nhân về thể chế khác dẫn đến những yếu kém của nền kinh tế được báo cáo đề cập, là mặc dù có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn nhiều hạn chế kinh doanh ở Việt Nam.

Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 không cho phép các bộ, ngành và địa phương áp đặt điều kiện kinh doanh bằng các thông tư và quyết định hành chính sau ngày 1/7/2015 nhưng không bộ, ngành hay chính quyền địa phương nào có hành động tuân thủ và Chính phủ phải lùi thời hạn này đến 1/7/2016.

Hay, Luật Đầu tư yêu cầu chỉ quy định các điều kiện kinh doanh vì các lý do quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, trong số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch Đầu tư thống kê, nhiều điều kiện kinh doanh không đáp ứng yêu cầu này và tạo ra rào cản gia nhập thị trường - những rào cản đang bóp nghẹt cạnh tranh và sáng tạo trong nền kinh tế.

Ví dụ, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có kho chứa 5.000 tấn và vài năm kinh nghiệm mới được tham gia xuất khẩu gạo sẽ loại bỏ cơ hội xuất khẩu các loại gạo đặc sản với khối lượng nhỏ hơn nhưng giá cao hơn, báo cáo chỉ rõ.

Cần chính sách cạnh tranh toàn diện

Khuyến nghị từ báo cáo đề dẫn là Việt Nam cần ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường.

Xây dựng một chiến lược cạnh tranh toàn diện, xây dựng chính sách cạnh tranh mới là điều cần thiết để Việt Nam có một nền kinh tế lành mạnh và có khả năng chống chọi.

Theo đối tác Australia, Việt Nam cần một luật cạnh tranh có thể cho phép thành lập cơ quan cạnh tranh độc lập và đủ năng lực, đồng thời quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phản cạnh tranh (gồm cả hành vi của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và công ty tư nhân).

Tham gia thảo luận về thể chế kinh tế thị trường,TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói ông đặc biệt đồng tình và chia sẻ với kiến nghị về việc thiết lập và thực thi một chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm triệt để xóa bỏ các rào cản kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp không phân biệt sở hữu.

Thiếu một chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả có lẽ đang làm cho nền kinh tế trở nên kém năng động; làm giảm tốc độ gia tăng của năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, ông Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng CIEM nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận rõ về sự cần thiết phải thay đổi tư duy về Nhà nước và thị trường. Bởi vì, thực tế cho thấy một Nhà nước thiên về kiểm soát và sở hữu không còn phù hợp, thậm chí trở thành lực cản chính đối với cải cách và phát triển.

Vì vậy, trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nhu cầu phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển.