Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình nhờ công nghệ?
Còn quá sớm để nói Việt Nam có bị mắc bẫy thu nhập trung bình hay không nhưng cần có chính sách để tạo thu nhập cao hơn, tăng năng suất lao động
"Trong vòng 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Doanh nghiệp công nghệ có thể giúp gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế".
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nêu quan điểm trên tại phiên "Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình" tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thực tại Việt Nam và câu chuyện từ Hàn Quốc
Ông Thành cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua, tuy nhiên về "chất lượng phát triển" lại chưa làm được như Hàn Quốc. Theo ông Việt Nam có thể làm được nhờ các doanh nghiệp công nghệ dù chặng đường này có thể kéo dài nhiều chục năm nữa.
Theo ông, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Còn trong khu vực, cùng Singapore, Indonesia thì Việt Nam cũng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ.
Ông Thành cho rằng nền công nghiệp công nghệ có thể tăng đáng kể năng suất lao động nhưng cùng lúc đó, số lượng nhân lực làm việc trong các ngành nghề sẽ giảm mạnh.
Về đề cập khả năng tận dụng nền kinh tế số để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hơn, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, còn quá sớm để nói Việt Nam có bị mắc bẫy thu nhập trung bình hay không nhưng cần có chính sách để tạo thu nhập cao hơn, tăng năng suất lao động.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam.
Theo ông, nền kinh tế số cần sử dụng công năng để nâng cao hiệu năng sản xuất. Đó là các hoạt động kinh tế sử dụng thông tin đã được số hóa, ứng dụng công nghệ 4.0. Cách mạng 4.0 sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành sản xuất toàn cầu. 3 đối tượng thụ hưởng chính trong nền kinh tế số là công dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghệ 4.0, đại diện ADB tại Việt Nam thẳng thắn cho rằng, Việt Nam còn khá non trẻ với mức xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... "Điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước trong nhóm sẵn sàng đón đầu kinh tế số", ông nói.
Chia sẻ từ câu chuyện của Hàn Quốc, Giáo sư Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết GDP năm 2017 là 1.530 tỷ USD gấp 765 lần so với năm 1960, nền khoa học công nghệ Hàn Quốc cũng phát triển nhanh chóng... Theo ông, điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tiến hành tái cấu trúc sản xuất. Trong thập kỷ 60, quốc gia này tập trung vào tài nguyên thiên thiên hay thập kỷ 70 tập trung vào công nghiệp nhẹ và đến nay thành cường quốc công nghệ.
Ông Yongrak Choi ví dụ những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới hiện nay Samsung, Hyundai…. Trong đó như Samsung, thời gian đầu đã đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ, nhưng sau 10 năm phát triển, Samsung trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Hay Hyundai cũng nhập khẩu mạnh mẽ công nghệ của nước ngoài, chịu khó học hỏi công nghệ lõi từ các nước sau đó phát triển công nghệ cho riêng mình.
Tập đoàn Posco cũng nhận được sự phát triển mạnh mẽ của chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Trong vòng 15 năm, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép.
Hiện tại, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain... Xác định các chương trình R&D là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh.
Cần chính sách gì?
Để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ và doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, Giáo sư Yongrak Choi cho rằng, Việt Nam cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển khoa học công nghệ. Theo ông, việc đầu tư mạnh tay cho R&D, phát triển nguồn nhân lực và cho rằng quyết tâm là một trong những yếu tố góp phần thành công cho sự phát triển này.
"Chúng ta cần xác định động lực là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp", ông nói.
Vị giáo sư đến từ Hàn Quốc cũng cho rằng, Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hiện số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên một tỷ đôla Mỹ ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì thế yêu cầu đặt ra cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn. Do đó, ông đưa ra kiến nghị cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung.
Các nhân tố cần cải thiện hơn để thúc đẩy đổi doanh nghiệp phát triển là nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ, ông Thành nói và nhấn mạnh về khâu đào tạo nguồn lực chất lượng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Ông Eric Sidgwick cũng cho rằng để nâng cao tính sẵn sàng cho kinh tế số, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đầu tư chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nhệ starup thuận lợi tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, theo ông Eric Sidgwick. Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần có những phương án hỗ trợ tốt cho hệ sinh thái này, đưa ra sáng kiến về Chính phủ điện tử của riêng mình, bảo vệ doanh nghiệp chống lại các rủi ro, xử lý thách thức, đe doạ của nền tàng công nghệ xâm lấn hay quan ngại về tính bảo mật riêng tư đối với việc kiểm soát và quản lý đã được số hoá.