Việt Nam có thêm ngân hàng triệu tỷ đồng
Việt Nam có thêm ngân hàng quy mô đạt triệu tỷ đồng chỉ ít ngày cuối năm 2017
Cuối năm 2016 đầu 2017, Việt Nam đã có ba ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Thành viên thứ tư vừa đạt mốc này sau khi thực hiện một giao dịch lớn.
Như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đầu mối thực hiện giao dịch mua lại gần 5 tỷ USD trong thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.
Giao dịch này ứng với 110.000 tỷ đồng chuyển đổi nằm lại trên hệ thống Vietcombank, trở thành nhân tố đẩy tổng tài sản của Vietcombank vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, chỉ ít ngày cuối năm 2017, sớm trước hai năm so với mục tiêu đề ra trước đây là vào năm 2020.
Cụ thể, tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Vietcombank đã đạt 1.050.000 tỷ đồng.
Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có bốn thành viên đạt quy mô trên 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản, cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).
Đây cũng là nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó riêng Agribank chưa cổ phần hóa; là nhóm hiện đang nắm quanh 50% thị phần tín dụng và huy động của toàn hệ thống.
Cùng với quy mô tổng tài sản, qua năm 2017, lần đầu tiên hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng ghi nhận có thành viên chính thức vượt mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cụ thể, theo số liệu cơ bản chốt năm, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc lợi nhuận trên, với hơn 10.800 tỷ đồng riêng lẻ, tăng khoảng 32% so với năm 2016.
Đáng chú ý, quy mô lãi trên được thực hiện sau khi ngân hàng này tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng trong năm 2017, với số dư quỹ dự phòng rủi ro lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng, bao khoảng 130% tổng nợ xấu.
Trong năm 2016, Vietcombank cũng từng gây chú ý khi có tỷ lệ trích lập dự phòng rất cao. Lãnh đạo ngân hàng này từng lý giải tỷ lệ này thực hiện theo quan điểm nhận diện tối đa rủi ro trong tín dụng.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, ngân hàng được phép loại trừ giá trị tài sản đảm bảo ứng với các giới hạn khi trích lập dự phòng rủi ro. Vietcombank gần như trích lập toàn bộ các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là nhà xưởng, máy móc thiết bị; với những khoản tài sản đảm bảo là bất động sản cũng loại trừ tối đa để thực hiện trích lập dự phòng.
Ngoài ra, như quy định đối với các ngân hàng nói chung, Vietcombank phải thực hiện trích lập thêm 0,75% dự phòng chung.
Với tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu nói trên, Vietcombank là ngân hàng thương mại có khả năng hoàn toàn chủ động xử lý toàn bộ rủi ro từ nợ xấu, sau khi đã mua lại phần đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ cuối năm 2016.
Theo đó, đến cuối 2017, đây là ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu báo cáo thấp nhất về thực chất trong hệ thống, chỉ với 1,1%. Nhiều thành viên khác báo cáo có tỷ lệ dưới 2%, thậm chí dưới 1% nhưng không bao gồm phần nợ xấu đã bán sang VAMC hoặc được cơ cấu lại theo cơ chế cho phép.
Về lợi nhuận, với hơn 10.800 tỷ đồng trước thuế, dự kiến Vietcombank sẽ là thành viên dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2017. Điểm đáng chú ý là quy mô này đã không dựa nhiều vào tín dụng như truyền thống và đặc điểm chung của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2015 và 2016, cơ cấu thu dịch vụ trong lợi nhuận Vietcombank chỉ chiếm khoảng 20%, thì đến cuối 2017 đã tăng lên 24%; tính tổng cơ cấu phi tín dụng đã đạt khoảng 35% - một tỷ lệ mới chỉ số ít ngân hàng thương mại Việt Nam đạt được.
Mặt khác, dù được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm qua lên 18%, nhưng kết năm Vietcombank chỉ tăng khoảng 17,4%.
Trong tín dụng, cũng góp phần lý giải cho kỷ lục lợi nhuận tại ngân hàng này là nhờ sự dịch chuyển nhanh tài sản sang phân khúc có tỷ lệ sinh lời cao hơn. Đó là hướng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ.
Cuối năm 2016, tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng mới chỉ ở mức 33%, thì đến năm 2017 đã nâng lên 41% và định hướng có thể vượt 50% trong năm tới.
Cũng như các ngân hàng thương mại nhà nước, hoặc đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, Vietcombank gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR) để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, ngân hàng này xác định hướng dịch chuyển tín dụng sang phân khúc bán lẻ như trên để có tỷ lệ lãi biên (NIM) cao hơn, qua đó tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện giới hạn còn hạn chế CAR trong ngắn hạn.
Việc dịch chuyển mạnh, cũng như kết quả thúc đẩy tín dụng bán lẻ đã thể hiện, lý giải vì sao cho đến nay Vietcombank vẫn không triển khai kế hoạch thành lập công ty tài chính tiêu dùng như từng đặt ra trước đây.