"Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác"
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá thấp hơn giá bán lẻ trong nước
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá bản lẻ trong nước, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác là nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, sáng 17/3.
Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, do tầm quan trọng của lúa gạo đối với đời sống người dân và đóng góp của nó vào nền kinh tế, Chính phủ có chính sách bảo tồn đất trồng lúa nhằm đảm bảo sản lượng lúa và đảm bảo an ninh lương thực.
Sau biến động lớn của giá lúa gạo thế giới năm 2008, Chính phủ ban hành nghị quyết số 63/2009/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nghị quyết này yêu cầu phải giữ 3,8 triệu ha trồng lúa, trong đó 3,2 triệu ha trồng lúa 2 vụ trở lên. Mục đích là duy trì sản lượng lúa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn/năm
Nhưng, nhóm nghiên cứu nhận định, các chính sách đất trồng lúa và duy trì sản lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực đã và đang gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho nông nghiệp và nông dân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chính sách về đất trồng lúa để đảm bảo sản lượng cao có mục tiêu không phù hợp. Việt Nam không cần duy trì 3,8 triệu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vì hàng năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá bản lẻ trong nước.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
CIEM cũng cho rằng với nhu cầu giảm dần và sản lượng dự thừa lớn, có thể nói nỗi lo an ninh lương thực là không có cơ sở thực tiễn.
Báo cáo nêu rõ: nghiên cứu của IPSARD cho thấy ngay cả trong trường hợp chỉ có 3 triệu ha đất, sản lượng ổn định và nhu cầu tiêu dùng gạo bình quân ở mức 120 kg/người/năm, sản lượng lúa gạo vẫn thừa đáp ứng nhu câu tiêu dùng trong nước.
Cùng quan điểm đó, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng với xu hướng tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và thu hoạch, và giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thừa gạo và giá gạo sẽ giảm. Tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng lúa là không cần thiết xét về nhu cầu lương thực.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nỗi ám ảnh về an ninh lương thực đã đeo đẳng quá lâu, từ khi còn thiếu đói đến khi đã xuất khẩu hàng triệu tấn gạo.Vì ám ảnh lâu như vậy dẫn đến dành nhiều đất trồng lúa và cả nguồn lực đầu tư cho trồng lúa.
Vấn đề bà Lan nhấn mạnh là cần quan tâm về chất và cách tiếp cận để nâng cao sức cạnh tranh của ngành lúa gạo là phải thoát khỏi ám ảnh về an ninh lương thực.
Bà Lan phân tích: các chính sách về đất trồng lúa để đảm bảo sản lượng cao có mục tiêu không phù hợp. Không những an ninh lương thực có thể đảm bảo với diện tích ít hơn nhiều, mà lượng gạo dư thừa quá lớn cho xuất khẩu cũng đang đẩy Việt Nam vào vị thế khó khăn hơn trên thị trường gạo thế giới, do nguồn cung/cạnh tranh tăng ở các nước xuất khẩu khác, và do phụ thuộc ngày càng nặng vào thị trường Trung Quốc và việc bán gạo theo hợp đồng chính phủ.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng tăng lên vừa làm giảm sản lượng gạo, vừa gây lãng phí lớn về đất đai và sự bất công đối với những người có nhu cầu sử dụng mà không có đủ đất để canh tác.
Vẫn theo phân tích của bà Lan thì chính sách tập trung quá cao và cứng nhắc cho ngành trồng lúa kéo dài cũng khiến mọi sự quan tâm và đầu tư phát triển nông nghiệp của nhà nước dồn quá nhiều vào ngành lúa gạo, không chú ý thích đáng đến các ngành, lĩnh vực khác trong nông nghiệp, khiến cho nông nghiệp Việt Nam rất chậm được đa dạng hóa so với các nước khác.
Với diện tích đất cho nông nghiệp vừa hạn hẹp, vừa bị thu hẹp dần (do nhu cầu phát triển các lĩnh vực khác và đô thị hóa), chính sách này đã khiến đất nông nghiệp ở Việt Nam không được sử dụng với hiệu quả cao và mang lại lợi ích cao cho nông dân, cho nền kinh tế. Chính quyền các cấp cũng sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích đất trồng lúa, hơn là quan tâm và có những sáng kiến cải thiện sản xuất, kinh doanh nông sản ở địa phương, bà Lan nhìn nhận.