14:48 11/01/2012

Việt Nam “nghiêm túc xem xét” ý tưởng về ngân hàng trung ương

Anh Minh

Việt Nam hiện đang “nghiêm túc xem xét các đề xuất về việc xây dựng ngân hàng trung ương"

Nhiều chuyên gia đã dẫn ra các kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ độc lập của ngân hàng trung ương ở các nước tỉ lệ nghịch với lạm phát và thâm hụt ngân sách, tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chuyên gia đã dẫn ra các kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ độc lập của ngân hàng trung ương ở các nước tỉ lệ nghịch với lạm phát và thâm hụt ngân sách, tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu trước đông đảo quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước tại hội nghị quốc tế lần thứ 3 về kinh tế đối ngoại tại Việt Nam sáng 11/1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, Việt Nam hiện đang “nghiêm túc xem xét các đề xuất về việc xây dựng ngân hàng trung ương thay cho Ngân hàng Nhà nước hiện nay”.

Cũng theo ông, trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến về vấn đề này. Đồng thời, thực tiễn điều hành nền kinh tế trong thời gian qua cũng đặt ra những vấn đề mới và đòi hỏi phải cải thiện cách thức điều hành vĩ mô.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể nào, mà Chính phủ vẫn đang tiếp tục lắng nghe vì đây “là một vấn đề quan trọng”, và “mô hình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm”.

Ông cũng đề nghị các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tích cực tư vấn, góp ý cho Việt Nam trong vấn đề này.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia đã dẫn ra các kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ độc lập của ngân hàng trung ương ở các nước tỉ lệ nghịch với lạm phát và thâm hụt ngân sách, tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Ở Anh, Mỹ và EU, ngân hàng trung ương hoàn toàn độc lập với chính phủ, Quốc hội bổ nhiệm hoặc phê chuẩn thống đốc… Cũng đã có ý kiến đề nghị đổi tên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành Ngân hàng Trung ương hoặc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về kinh tế đối ngoại tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao và tập đoàn báo chí The Economist (Anh) tổ chức với chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới”, với sự tham dự của khoảng 400 đại biểu, trong đó có đại diện của khoảng 150 tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia, cơ quan đại diện nước ngoài, thể chế tài chính và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

* Hội nghị sẽ tập trung vào 7 phiên thảo luận chính:

Phiên 1: Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, một trật tự thế giới mới đang được hình thành. Các lợi thế về địa chính trị của Việt Nam đem lại nhiều cơ hội và cả khó khăn. Vì vậy, mối quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng sẽ tiến triển như thế nào và Việt Nam sẽ đi theo hướng nào khi các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng tại Việt Nam sẽ được làm rõ trong phiên này.

Phiên 2: Đầu năm 2011, Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đặt ra lộ trình cho đất nước trong những năm tới. Sau một năm thực hiện, mục tiêu chính sách của Chính phủ có ý nghĩa như thế nào với nhà đầu tư; bối cảnh kinh doanh ở Việt Nam đang thay đổi như thế nào. Đâu là cơ hội và đâu là trở ngại của nhà đầu tư... sẽ được cùng thảo luận.

Phiên 3: Viễn cảnh kinh tế và tài chính của Việt Nam sẽ là chủ đề chính ở đây. Phần lớn ý kiến đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ phát triển chậm lại. Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ rất cần những biện pháp ứng phó với điều này trong khi vẫn phải duy trì sức tăng trưởng kinh tế. Điều này đặt ra những bài toán trong quản lý kinh tế, xác lập mô hình phát triển và kiềm chế lạm phát bên cạnh việc củng cố sức mạnh của tiền đồng.

Phiên 4: Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển công nghiệp như  thế nào trong tương lai? Đây là câu hỏi chính được đặt ra trong khi các quốc gia láng giềng tập trung mạnh vào nâng cao năng lực xuất khẩu, cơ sở hạ tầng và quản lý để phát triển công nghiệp. Việt Nam sẽ được lợi gì từ công thức phát triển công nghiệp của những quốc gia này?

Phiên 5: Với dân số 88 triệu người, Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn với sức tăng trưởng 1 triệu người mỗi năm. Điều này trở thành sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Đâu sẽ là hướng phát triển và cơ hội của nhà đầu tư trong tương lai là một trong những quan tâm của các nhà đầu tư tại phiên này.

Phiên 6: Ứng phó với những thách thức về môi trường. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí  hậu. Việt Nam chuẩn bị gì cho kế hoạch này, đặc biệt trong việc duy trì vị trí là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Phiên 7: Thu hút đầu tư nước ngoài. Hoạt động đầu tư  trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển nhanh chóng. Cơ cấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến, theo hướng chú trọng hơn tới chất lượng vốn. Cơ hội cho các công ty nước ngoài và lĩnh vực nào sẽ mang lại nhiều cơ hội nhất sẽ là chủ đề nóng tại phiên này.