Vụ bắt giữ Giám đốc Huawei sẽ "đổ thêm dầu vào lửa” xung đột Mỹ-Trung?
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ đồng thời kêu gọi Canada và Mỹ "sửa chữa sai lầm", trả tự do cho bà Meng
Việc Giám đốc tài chính (CFO) Huawei bị nhà chức trách Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ đã vấp phải phản ứng mạnh của Trung Quốc, đồng thời có khả năng làm phức tạp thêm cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vốn đang bước vào giai đoạn mang tính quyết định.
Bộ Tư pháp Canada nói rằng bà Wanzhou Meng - người đồng thời là Phó chủ tịch Huawei và là con gái của ông Nhiệm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei - có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Bà Meng bị bắt vào hôm 1/12 ở Vancouver sau khi Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 4 mở một cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ nghi án Huawei cung cấp thiết bị cho Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran quy định cấm bán thiết bị cho nước này.
Theo hãng tin Bloomberg, đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ bà Meng, đồng thời kêu gọi Canada và Mỹ "sửa chữa sai lầm" và trả tự do cho bà Meng.
Giới quan sát nhận định vụ bắt giữ nữ doanh nhân có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chỉ vài ngày sau khi hai bên đạt một thỏa thuận "ngừng bắn" cuộc chiến thương mại song phương.
Cha của bà Meng, ông Nhiệm Chính Phi, là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ông Nhiệm, một cựu kỹ sư trong quân đội Trung Quốc, được xem là người có công đưa Huawei trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới, đồng thời là hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Với vị thế của Huawei, vụ bắt giữ CFO kiêm Phó chủ tịch của tập đoàn này có thể bị phía Trung Quốc xem như một "vụ tấn công" vào đỉnh cao của thế giới doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi những công ty Alibaba và Tencent được truyền thông quốc tế nói đến nhiều nhờ tôc độ tăng trưởng ấn tượng và các tỷ phú sáng lập đình đám, Huawei đến nay được xem là công ty công nghệ toàn cầu nhất của Trung Quốc, với hoạt động phủ sóng ở châu Phi, châu Âu và châu Á.
Huawei có tham vọng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho tới sản xuất con chip, và thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những bước tiến mạnh của Huawei trong lĩnh vực liên lạc di động tương lai đã khiến Mỹ lo ngại và trở thành một lý do cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ. Ngoài ra, Mỹ luôn cáo buộc Huawei là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khiến các sản phẩm Huawei hầu như không thể đặt chân vào thị trường Mỹ.
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ sụt giảm sau khi có tin bà Meng bị bắt. Các nhà giao dịch cho rằng thị trường có thể đang lo ngại vụ việc này sẽ thổi bùng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Van Hollen nói rằng Huawei và ZTE - hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc - "là hai mặt của cùng một đồng xu, các công ty viễn thông Trung Quốc đặt ra rủi ro căn bản đối với an ninh quốc gia Mỹ".
Trong một tuyên bố, Huawei cho biết vụ bắt giữ bà Meng được Canada thực hiện theo đề nghị của Mỹ, nên bà Meng có thể dẫn độ về New York để "đối mặt với những cáo buộc chưa rõ là gì".
"Công ty mới được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc và không nhận thấy bà Meng có hành động sai trái nào", tuyên bố có đoạn viết.
Nhà chức trách Mỹ vào năm 2016 bắt đầu bày tỏ lo ngại Huawei và một số nhà cung cấp khác có thể lắp đặt "cửa sau" trong thiết bị để có thể theo dõi người dùng ở Mỹ. Huawei bác bỏ những cáo buộc này.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh dừng cung cấp thiết bị Huawei tại các căn cứ quân sự Mỹ với lý do an ninh. Best Buy, một trong những nhà bán lẻ hàng điện tử lớn nhất ở Mỹ, cũng đã dừng bán sản phẩm Huawei.
Tháng 8 năm nay, Tổng thống Donald Trump ký một đạo luật cấm Chính phủ Mỹ dùng công nghệ Huawei vì lý do an ninh quốc gia.
Cũng trong tháng 5, Australia ban lệnh cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei trong hệ thống mạng không dây của nước này. Tuần trước, New Zealand đưa ra lệnh cấm tương tự, cũng vì lý do an ninh quốc gia. Anh cũng đang cân nhắc ban lệnh cấm tương tự.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal nói rằng Mỹ đang đề nghị các đồng minh chủ chốt, gồm Đức, Italy và Nhật Bản, thuyết phục các công ty trong nước tánh sử dụng thiết bị Huawei.
Năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành tìm kiếm thông tin liên quan đến khả năng Huawei chuyển công nghệ Mỹ đến Syria, Triều Tiên và Iran. Trước đó, Mỹ đã trừng phạt ZTE, một đối thủ đồng hương của Huawei, vì giao dịch với Iran và Triều Tiên.
Tháng 4 năm nay, cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Huawei được khởi động. Tháng 11, Huawei nói động thái này của Mỹ sẽ cản trở sự phát triển của công nghệ 5G ở Mỹ và khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn.