12:56 23/07/2018

Vụ bê bối vắc-xin gây chấn động Trung Quốc

Thăng Điệp

Loạt sai phạm bị phát hiện tại một công ty sản xuất vắc-xin Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về an toàn dược phẩm

Nhu cầu vắc-xin ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây do chính sách kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng, nhận thức của người dân tăng, và dân số lão hóa - Ảnh: Getty/CNBC.
Nhu cầu vắc-xin ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây do chính sách kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng, nhận thức của người dân tăng, và dân số lão hóa - Ảnh: Getty/CNBC.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu các cơ quan hữu quan thuộc Chính phủ nước này tiến hành điều tra ngành sản xuất vắc-xin trong nước, sau khi loạt sai phạm bị phát hiện tại một công ty sản xuất vắc-xin làm dấy lên những lo ngại về an toàn dược phẩm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo tin từ Bloomberg, cổ phiếu các công ty sản xuất vaccine Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường Thượng Hải, sau khi ông Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ trấn áp những hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho sinh mạng của người dân và sẽ đưa những kẻ phạm tội ra trừng trị trước pháp luật.

Mới đây, công ty sản xuất vắc-xin của Trung Quốc có tên Changsheng Bio-Technology Co. bị phát hiện làm giả dữ liệu về một loại vắc-xin phòng bệnh dại. Công ty này cũng bị phát hiện có nhiều sai phạm trong sản xuất một loại vắc-xin dùng để tiêm cho trẻ sơ sinh. Vụ bê bối đã dẫn tới một làn sóng phản ứng phẫn nộ trong dư luận trung quốc.

Truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV nói rằng cơ quan quản lý dược phẩm nước này sẽ tiến hành rà soát tất cả các hãng sản xuất vắc-xin trong nước.

Nhu cầu vắc-xin ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây do chính sách kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng, nhận thức của người dân tăng, và dân số lão hóa. Thị trường vắc-xin có quy mô 4,4 tỷ USD của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong thời gian từ nay đến năm 2021.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường vắc-xin Trung Quốc cũng đi kèm nhiều vấn đề về an toàn. Hồi năm 2016, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã nổi giận vì vụ bê bối trong đó vắc-xin hết hạn vẫn được dùng để tiêm trên toàn quốc.

Cổ phiếu của công ty Changsheng đã bị ngừng giao dịch trên sàn Thẩm Quyến vào ngày thứ Hai. Công ty có trụ sở ở Changchun này hôm 16/7 cho biết đã dừng sản xuất và tiến hành thu hồi vắc-xin phòng bệnh dại theo yêu cầu của Chính phủ. Tuần trước, ngày nào cổ phiếu Changsheng cũng giảm kịch sàn biên độ 10%.

Ngoài loại vắc-xin phòng bệnh dại có vấn đề, Changsheng cũng đang bị cơ quan chức năng giám sát vì hành vi sản xuất và bán vắc-xin chất lượng kém dành cho trẻ sơ sinh. Năm ngoái, công ty này bị nhà chức trách phát hiện có sai phạm trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván. Tuần trước, Changsheng cho biết đã bị phát 3 triệu Nhân dân tệ vì vi phạm này và đã dừng sản xuất loại vắc-xin đó.

Công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2 tỷ USD này đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và nhà đầu tư trong một tuyên bố đăng trên sàn chứng khoán Thẩm Quyến vào tối ngày Chủ nhật.

Phiên sáng thứ Hai, giá cổ phiếu các công ty vắc-xin Trung Quốc như Shenzhen Kangtai hay Chongqing Zhifei đồng loạt giảm kịch sàn 10%. Trước đó, cả hai cổ phiếu này đều tăng 57% từ đầu năm do nhu cầu vắc-xin tại Trung Quốc tăng mạnh.

Trong vụ bê bối vắc-xin quá hạn ở Trung Quốc vào năm 2016, hơn 200 người đã bị bắt giữ.

An toàn sản phẩm là một vấn đề lớn ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng còn chưa quên vụ bê bối sữa nhiễm độc khiến hàng nghìn đứa trẻ đổ bệnh cách đây một thập kỷ.