Vượt Mỹ, Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của EU
Tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc với 27 quốc gia thành viên EU, không bao gồm Anh, đạt 710 tỷ USD trong năm 2020
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) - Eurostat, năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU.
Tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc với 27 quốc gia thành viên EU, không bao gồm Anh, đạt 586 tỷ Euro (710 tỷ USD) trong năm ngoái. EU ghi nhận sản lượng xuất nhập khẩu với Trung Quốc đều tăng, lần lượt là 202,5 tỷ Euro và 383,5 tỷ Euro. Thâm hụt thượng của khối này với Trung Quốc cũng tăng 9,8%, từ 164,7 tỷ Euro của năm 2019 lên 181 tỷ Euro trong năm ngoái.
"Năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của EU do cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng, lần lượt là 5,6% và 2,2%. Đồng thời, hoạt động thương mại với Mỹ lại giảm đáng kể khi xuất khẩu sụt 13,2%, còn xuất khẩu giảm 8,2%", Eurostat cho biết.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU với giá trị giao dịch thương mại đạt 555 tỷ Euro trong năm 2020. Con số này giảm 10% so với mức 617 tỷ Euro của năm 2019.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của EU, theo sau là Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khối này.
Các mặt hàng EU nhập chủ yếu từ Trung Quốc bao gồm sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng, máy móc và thiết bị, giày dép và quần áo. Trong khi đó, các mặt hàng chủ yếu mà khối này xuất khẩu sang Trung Quốc gồm máy móc và thiết bị, xe ôtô, máy bay và hóa chất.
Dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị xáo trộn lớn bởi đại dịch Covid-19. Dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng dương trong năm ngoái. Các nhà máy của nước này đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khoảng thời gian phong tỏa khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào tháng 12/2019 và dần đưa nền kinh tế phục hồi.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc được dự báo sẽ càng được thắt chặt hơn bởi vào ngày 30/12/2020, hai bên đã đi đến kết luận cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI), cho phép doanh nghiệp hai bên được tiếp cận sâu hơn vào thị trường của nhau. Hiệp định này cần được phê duyệt lần cuối trước khi được ký kết và thực thi.
Trong khi đó, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU lâm vào thế khó khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế lên máy bay của Airbus cũng như nhiều mặt hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm rượu vang Pháp và ô liu Tây Ban Nha. Do đó, chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đã không ít lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường liên minh với EU để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trên mặt trận thương mại.
Theo Nick Marro, người điều hành mảng tài chính toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vào quý 2/2020 trong khi các thị trường khác bắt đầu tái áp dụng lệnh phong tỏa phòng dịch đã giúp các nhà xuất khẩu nước này được hưởng lợi lớn từ nhu cầu tăng vọt trên toàn cầu đối với các mặt hàng điện tử, giải trí và chăm sóc y tế.
"Sự hồi sinh của thị trường ôtô Trung Quốc và sự dịch chuyển của người tiêu dùng sang mua sắm trực tuyến - đặc biệt đối với hàng xa xỉ - dẫn đến nhu cầu tăng mạnh đối với một số mặt hàng của châu Âu", ông Marro nhận xét. "Về giá trị, dòng chảy thương mại Mỹ - EU hiện vẫn ở dưới các mốc lịch sử, cho thấy sự gián đoạn trong sản xuất và tiêu dùng ở cả hai thị trường".
Tuy nhiên, ông Marro cho rằng cấu trúc chung trong quan hệ thương mại của EU với Mỹ và Trung Quốc về căn bản không thay đổi. Dù Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU, tầm quan trọng của Mỹ với khối này không hề suy giảm.
"Chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương khi đại dịch được kiểm soát tại cả Mỹ và EU", ông Marro nhận định.