WB: Chuyển hướng kinh tế vĩ mô để tăng khả năng chống chịu rủi ro
Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam cần tăng khả năng chống chịu nhằm ứng khó với rủi ro địa chính trị và sự dịch chuyển dòng vốn.
Tại buổi công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam ngày 11/12, ông Sudhir Sheety, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhiều khuyến nghị với nền kinh tế Việt Nam
Vị chuyên gia đến từ WB cho rằng những rủi ro địa chính trị trong khu vực và trên thế giới như động thái cứng rắn của Mỹ trong một số vấn đề quốc tế, tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên hay vấn đề Biển Đông... sẽ làm thay đổi dòng chảy vốn, khiến chi phí huy động vốn trên thị trường trở nên đắt đỏ.
Hơn nữa, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì ổn định vĩ mô trong một thời gian, vì vậy "đây là thời điểm để Việt Nam chuyển hướng chính sách, tạo ra những vùng đệm cần thiết để xử lý rủi ro".
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, tuy đã có tiến triển về giải quyết nợ xấu nhưng những rủi ro vẫn còn, chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao.
"Việt Nam vẫn dựa vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng tăng tín dụng thời gian qua vẫn chưa hiệu quả, chi phí vay vẫn ở mức cao trong khi hệ thống quản lý rủi ro ở hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự tốt", ông Sebastian nói.
Báo cáo của WB cũng ghi nhận, tình hình tài khóa đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công xuống mức 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 25% của những năm qua được cho là chưa hẳn đã là bền vững về lâu dài khi Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Thêm vào đó, theo ông Sebastian, quá trình cải cách cơ cấu kinh tế chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi. "Vì vậy, tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn", đại diện WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy vậy, WB vẫn tỏ ra khá lạc quan khi đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dự kiến ở mức 6,7% trong năm nay.
Nhờ sự hỗ trợ từ hàng loạt yếu tố như sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang được phục hồi, tăng trưởng kinh tế của năm 2017 vượt quá mức tiềm năng và bỏ xa so với mức dự báo được WB đưa ra hồi tháng 7/2017 (6,3%).
"Nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định", ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.
Nhìn về trung hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được WB dự báo sẽ ổn định ở mức 6,5%, thấp hơn đôi chút so với mức dự báo 6,7% của năm 2017 và lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do những rủi ro của nền kinh tế như sự tăng trưởng không ổn định của nền nông nghiệp, những hậu quả từ vụ xả thải của Formosa... vẫn còn là những biến số khó lường và có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế của những năm tiếp theo.
Song câu chuyện dài hạn đối với Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo WB, đó là thúc đẩy hiệu quả của khu vực tư nhân trong nước thông qua những kết nối với khu vực nước ngoài để tận dụng hiệu quả nguồn lực từ khu vực nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng, công nghệ, nguồn nhân lực...