10:55 06/06/2009

WB lo ngại nợ xấu gia tăng ở Việt Nam

Hà Nguyên

Đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng đáng phải lưu tâm

WB khuyến nghị Chính phủ nên tăng cường chất lượng của công tác giám sát ngân hàng, quản lý và theo dõi các luồng chu chuyển vốn quốc tế,... - Ảnh: Quang Liên.
WB khuyến nghị Chính phủ nên tăng cường chất lượng của công tác giám sát ngân hàng, quản lý và theo dõi các luồng chu chuyển vốn quốc tế,... - Ảnh: Quang Liên.
Dù chưa tới mức nghiêm trọng, nhưng đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có xu hướng tăng đáng phải lưu tâm.

Đó là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản thuyết trình mang tên "Cất cánh" công bố trước thềm Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam diễn ra vào ngày 8/6.

Theo đó, dù không đưa ra một số cụ thể nhưng WB cho rằng danh mục cho vay của hệ thống ngân hàng ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện vào cuối năm 2008 nhờ các khoản vay đầu tư bất động sản cuối năm 2007 đã đến thời hạn thanh toán, song sau đó tình hình lại xấu đi do suy thoái kinh tế.

Mặt trái của chính sách hỗ trợ lãi suất

Trong phần đánh giá về ngành tài chính-ngân hàng, Chuyên gia kinh tế trưởng Martin Rama của WB tại Việt Nam đã dựa trên các dữ liệu về tổng cung tiền tệ (M2), tổng tín dụng và tổng tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đưa ra nhận xét rằng các ngân hàng "đã kết thúc giai đoạn bình ổn".

Theo ông Martin Rama, lạm phát trong những tháng đầu năm 2009 có xu hướng giảm nhờ có các chính sách bình ổn kinh tế trong năm 2008 và giá hàng hóa thế giới giảm. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các yếu tố này dường như sẽ không còn trong 6 tháng cuối năm nay.

Nhìn vào chính sách tín dụng và lãi suất, theo báo cáo của WB, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã cho vay 72% tổng tín dụng, tuy nhiên, khu vực tư nhân chiếm tới 79% tổng vốn vay.

Chính sách hỗ trợ lãi suất đã khuyến khích các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn, đảm bảo chu chuyển tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ cấu lại tình hình tài chính và tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, ông Rama cảnh báo, nếu thất bại trong việc tái cơ cấu các khoản vay sẽ dẫn đến tình trạng giá trị danh mục cho vay của ngân hàng sẽ giảm nghiêm trọng.

"Chính sách hỗ trợ lãi suất nên dựa vào cơ chế khuyến khích và hướng tới các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi", ông Rama khuyến nghị.

Đó mới chỉ là phần đầu của chính sách hỗ trợ lãi suất hiện Chính phủ Việt Nam đang triển khai, và với giai đoạn 2 của chương trình này, theo nhận xét của các kinh tế gia tại WB, chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2 có thời gian dài - lên đến 2 năm - với đối tượng vay được mở rộng hơn.

"Cách tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất này có rất nhiều điểm giống với với dạng "cho vay chính sách" đã được hủy bỏ vài năm trước. Như vậy, hỗ trợ lãi suất cho cả các phần vốn đầu tư trung hạn sẽ làm tín dụng ngân hàng tăng nhanh", ông Rama nói. Đây chính là điểm tín hiệu cảnh giới về tỷ lệ nợ xấu.

Tuy nhiên, ông Martin Rama cũng thừa nhận, góc tích cực của vấn đề là tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng đang có những cải thiện.

"Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng đã được cải thiện vào cuối năm 2008, chương trình hỗ trợ lãi suất có lẽ đã tạo lợi nhuận vào đầu năm 2009", ông Rama nhận xét.

Để minh chứng ông đã lấy chỉ số VN-Index - tính đến cuối tháng 5/2009 - tăng 35% so với đầu năm. "Thị trường chứng khoán Tp.HCM (HOSE) nằm trong số các thị trường tăng nhanh nhất toàn cầu tính đến thời điểm này trong năm nay mặc dù có thời gian đã nằm trong số các thị trường yếu kém nhất", ông Martin Rama nói.

Tăng cường chất lượng giám sát

Với việc các khoản vay tín dụng đã được cơ cấu lại và chu chuyển tín dụng đã được nối lại, theo đánh giá của WB, hỗ trợ lãi suất (mở rộng cho cả vay đầu tư trung hạn) sẽ ít có tác dụng.

"Tín dụng được trợ cấp lãi suất sẽ dẫn tới quá trình phân bố các nguồn vốn một cách ít hiệu quả, làm tổng tín dụng tăng nhanh. Tín dụng tăng nhanh cộng với nhu cầu nguồn vốn lớn có thể sẽ tạo ra những áp lực không cần thiết tới tỷ giá ngoại tệ", ông Rama cảnh báo.

Đặt khả năng này trong bối cảnh hiện tại khi mà giá cả hàng hóa đang tăng trở lại, chuyên gia kinh tế trưởng của WB e ngại rằng nguy cơ lạm phát có thể xuất hiện trở lại trong nửa cuối năm nay.

Theo ông, Việt Nam nên tách biệt từng giai đoạn hỗ trợ lãi suất, công khai rõ ràng các thu xếp tài chính trong lần hỗ trợ lãi xuất lần 1 (cho các khoản vay vốn lưu động dưới 9 tháng), chuyển dịch từ chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu ổn định giá cả, lạm phát.

Đặc biệt, như đã từng nhấn mạnh nhiều lần trước kia, WB khuyến nghị Chính phủ nên tăng cường chất lượng của công tác giám sát ngân hàng, quản lý và theo dõi các luồng chu chuyển vốn quốc tế, cùng với việc tiếp tục cải cách khu vực công, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn và ngân hàng thương mại quốc doanh.