13:47 18/01/2021

WB: Việt Nam cần sớm giải quyết việc bị dán nhãn "thao túng tiền tệ"

Quang Thanh

Các chuyên gia của WB nhận định việc bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ", nếu không được giải quyết, có thể gây nhiều tác động đối với thương mại và đầu tư nước ngoài của Việt Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2021 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt 2,9% trong năm 2020, nhưng cần chú ý tới việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý 4/2020, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 4,5% trong quý cuối cùng của năm 2020 so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 12/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại đạt 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2. Doanh số bán lẻ cũng tiếp tục tăng trưởng ở mức 9,4% nhờ nhu cầu trong nước với doanh số bán lẻ hàng hóa cao hơn 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với những quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, và dịch vụ lữ hành trong tháng 12/2020 lần lượt giảm 5,4% và 68,2% (so với cùng kỳ năm trước).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 279,6 triệu USD vào tháng 12/2020, tiếp tục chuỗi thặng dư trong 8 tháng và kết thúc năm với tổng thặng dư kỷ lục 19,3 tỷ USD. Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong tháng lần lượt tăng 17,8% và 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch.

Tăng trưởng tín dụng phục hồi sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 10, tăng từ 9,6% vào tháng 10 lên 10,5% trong tháng 11 và 10,1% trong tháng 12. Tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng lên, từ khoảng 136% năm 2019 lên hơn 143% vào năm 2020.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm lại trong tháng 12. Tính chung cả năm, Việt Nam thu hút được hơn 28,5 tỷ USD, thấp hơn khoảng 25% so với năm 2019. Dù vậy, WB nhận định đây vẫn là một thành tựu lớn bởi Báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào Đông Á sẽ giảm 30-45% vào năm 2020.

Dù nền kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong tăng trưởng, các chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam cần chú ý tới việc phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

"Việc phê duyệt một số vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2020 mang lại hy vọng về triển vọng tích cực hơn vào năm 2021, đặc biệt là đối với ngành du lịch và hàng không. Rủi ro bao gồm chậm trễ trong phân phối và sử dụng vaccine", báo cáo nhấn mạnh trong báo cáo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia WB cảnh báo việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là nước thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020, nếu không được giải quyết, có thể gây nhiều tác động đối với thương mại và đầu tư nước ngoài. Đây là hai lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/1 công bố kết luận sau cuộc điều tra thương mại đối với Việt Nam, theo đó quyết định chưa áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng "những hành động và chính sách không công bằng đã dẫn tới sự suy giảm tỷ giá tiền tệ, gây ảnh hưởng bất lợi với người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ và Việt Nam có thể tìm ra một hướng đi để giải quyết mối quan ngại của Mỹ".

Trong Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2021, WB cũng khuyến nghị chính phủ Việt Nam cần phải đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách tài khóa và tiền tệ liên quan đến Covid-19 đã được ban hành để hỗ trợ nền kinh tế.