09:34 29/05/2008

“Xem xét kỹ các siêu dự án giao thông”

Nguyên Quân

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói về tính khả thi của các "siêu dự án" giao thông đang trong quá trình triển khai

"Bộ Giao thông Vận tải trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước đạt 12,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 9,8% kế hoạch".
"Bộ Giao thông Vận tải trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước đạt 12,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 9,8% kế hoạch".
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói về tính khả thi của các "siêu dự án" giao thông đang trong quá trình triển khai.

Thưa Bộ trưởng, thời gian tới, dù có nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực hạ tầng sẽ tiếp tục là lĩnh vực được Chính phủ chủ trương đầu tư mạnh mẽ. Bộ trưởng có thể cho biết về tình hình triển khai một số những dự án lớn của ngành sắp tới?

Năm 2008 là năm triển khai nhiều dự án giao thông có quy mô lớn và hiện đại. Đó là hàng loạt các tuyến, đoạn đường cao tốc với quy mô và tiến độ khác nhau như Hà Nội – Hải Phòng, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Lào Cai. Dự án đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tp.HCM - Trung Lương cũng đã hoàn thành một khối lượng đáng kể.

Đặc biệt, về đường sắt, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam do Tổng công ty Đường sắt làm chủ đầu tư đang sử dụng nguồn vốn tư vấn của Nhật Bản để xúc tiến nhanh chương trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, trước đây, Chính phủ Hàn Quốc cũng có chương trình nghiên cứu về đường cao tốc tuyến Nha Trang - Tp.HCM và tuyến Hà Nội - Vinh... Hiện nay, báo cáo sơ bộ cũng đã hoàn thành.

Để thực hiện khối lượng công việc quy mô lớn và hiện đại này, Chính phủ đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc, ban hành một số chính sách nhằm hài hòa hóa thủ tục đấu thầu giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam, cho phép áp dụng linh hoạt các hình thức đầu tư đối với một số dự án đặc thù, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng...

Đã có một số luồng ý kiến khác nhau về tính khả thi của những dự án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông này, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay?

Dĩ nhiên, trong số những dự án rất lớn này, nhiều nghiên cứu mới chỉ là đánh giá ban đầu về tính khả thi của dự án cũng như điều kiện thực hiện.

Vấn đề này không phải đơn giản. Chẳng hạn, tuyến đường sắt Bắc Nam là dự án đòi hỏi công nghệ cao, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn mà nó còn đòi hỏi cả trình độ phát triển kinh tế của một đất nước.

Trong trình độ kinh tế có trình độ dân trí, văn hóa, xã hội để có thể vận hành, sử dụng, làm chủ được một dự án lớn và hiện đại như vậy được. Tất cả mới đang trong quá trình nghiên cứu. Khi có kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi hội thảo để xem xét một cách toàn diện để từ đó mới quyết định các bước tiếp theo sẽ như thế nào.

Về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, liệu trong điều kiện hiện nay, tàu chạy đến 300 km/h liệu có đảm bảo?

Vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ về mặt kỹ thuật.

Nhưng có một điều rõ ràng là hạ tầng đường sắt hiện tại chưa bảo đảm?

Dự án đầu tư này hoàn toàn khác những dự án trước đây, hạ tầng cơ sở, công nghệ hoàn toàn mới. Có thể nó không nằm trong nền đất cũ mà có thể phải sử dụng hệ thống cầu cảng trên cao.

Tương tự, dự án đường cao tốc Bắc Nam được dự kiến tổng mức đầu tư lên tới 30 tỷ USD. Các nhà kinh tế cho rằng đây là một dự án quá lớn với trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam và vì vậy, việc xây dựng có thể dẫn đến kém hiệu quả?

Về dự án này, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến trên cũng được lưu ý khi đánh giá, xem xét. Như tôi nói, để có dự án lớn như vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành hữu quan đánh giá toàn diện lại tính khả thi, lộ trình thực hiện, thời điểm thực hiện, trình độ kinh tế đất nước phát triển... để thực hiện được dự án này.

Quay trở lại vấn đề chung hiện nay, các dự án giao thông lại đang tiếp tục tình trạng khó khăn về vốn?

Sự khó khăn này thể hiện đang diễn ra ở cả hai mặt.

Thứ nhất, công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản tiếp tục chậm. Bộ Giao thông Vận tải trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước đạt 12,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 9,8% kế hoạch. Những trở ngại chính vẫn là công tác chuẩn bị các dự án, các quyết định điều chỉnh dự toán cụ thể, năng lực nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng thi công...

Mặt thứ hai, việc bố trí vốn cũng thiếu, năm 2008, theo kế hoạch, các dự án sử dụng Ngân sách Nhà nước được giao 5.666,7 tỷ đồng thì chỉ đủ bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA...Nhiều dự án quan trọng cấp bách cần thiết thực hiện trong năm 2008 vẫn đang trong tình trạng chờ.

Nếu tình trạng phần vốn ngân sách nói trên không sớm được cân đối trong kế hoạch đầu tư phát triển năm nay thì sẽ có nhiều dự án đang triển khai có khả năng phải đình hoãn, một số dự án quan trọng khó được khởi công hoặc ảnh hưởng đến tiến độ.