20:38 25/10/2018

Xử lý tài sản tăng thêm không giải trình nguồn gốc: “Không thể đưa ra toà”

KIỀU LINH

Sáng 25/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai vào kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá 14. Ngay sau kỳ họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chính lỷ dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Tranh cãi phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc 

Dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là: Xem xét giải quyết tại Tòa án và phương án đánh thuế. 

Trong phiên thảo luận, không đồng tình với phương án giải quyết tại toà án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đề nghị Quốc hội phải xem xét thật kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc sẽ chuyển cho toà án.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho toà án xét xử. 

Thực tế, tài sản là của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được vi phạm pháp luật mà có nhưng lại giao cho toà xử lý để thu hồi, điều này có vi phạm với Hiến pháp hay không? Không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi. Nếu thi hành án hoặc cưỡng chế sẽ phát sinh những xung đột khó lường, làm bất an xã hội, gây kháng cự chống lại pháp luật. 

Chưa kể, không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho toà án thì sẽ làm khó toà án vì kết luận đúng, sai không có cơ sở. 

"Việc làm này dễ phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói đến là tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi phải tăng thêm biên chế cho tòa án. Đưa việc này vào và không có căn cứ thì người này mất tài sản của mình thì không tội gì mà không chạy và tòa án có thể kết tội này cũng được, kết tội kia cũng được, rất đơn giản. Rất dễ tiêu cực trong vấn đề này, cho nên không thể đồng ý được", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) khẳng định cả hai phương án trên đều không đảm bảo vì không có cơ sở.

"Đành rằng Tòa án là cơ quan được giao một trong những chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng đó là thực hiện quyền tư pháp. Nhưng tòa án không thể thực hiện vượt qua những quy định của pháp luật. Chỗ này chúng tôi đề nghị phải có nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng cho tòa án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta đang hình sự hóa trá hình vấn đề thu hồi tài sản. Tôi cho rằng điều này sẽ rất không ổn về mặt khoa học pháp lý".

Trong khi đó, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án giải quyết tại toà án. Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắc Nông) cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của mình. 

Song, trước khi chuyển cho tòa án cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để tòa án phán quyết chính xác. 

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Tp.HCM) cho rằng, hàng chục năm qua nhiều cán bộ, công chức bằng nhiều cách khác nhau đã giàu lên nên chuyện cán bộ, công chức giàu không phải là chuyện gì chúng ta kỳ thị. Vấn đề là thu nhập ngoài lương và tài sản giàu lên này phải hợp pháp. Do đó, đề nghị phân chia tài sản bất minh thành nhiều loại để xử lý.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực doanh nghiệp "sân sau"

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giao Thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ, ngành, cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai.

Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ lo ngại nếu giao cho Thanh tra Chính phủ như thế liệu có quá tải với Thanh tra Chính phủ hay không? Bởi Thanh tra Chính phủ còn nhiều việc quan trọng khác nữa. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, về lâu dài, cần phải có một cơ quan chuyên trách về quản lý tài sản thu nhập. Sau khi đưa đạo luật vào thi hành, phải tổng kết và xem xét kỹ hơn về vấn đề về cơ quan này để đảm bảo làm việc có hiệu quả.

Đối với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, nạn tham nhũng đã lan tỏa ngoài khu vực nhà nước làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, đến phát triển lành mạnh của nền kinh tế. 

Các tổ chức và cá nhân có đóng góp tiền và tài sản xã hội rất lớn, mặc dù không từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân cho nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng cá nhân và có quyền trong tổ chức này.

Đồng tình mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lại không đồng ý với đối tượng của khu vực tư đưa vào kiểm soát là doanh nghiệp đại chúng. 

Theo vị đại biểu này, doanh nghiệp đại chúng đã phải chịu sự kiểm soát của rất nhiều cổ đông, đồng thời doanh nghiệp này phải chịu cáo bạch trên thị trường chứng khoán, do vậy rất khó có hành vi tham nhũng xuất hiện ở nhóm này. Tuy nhiên, đối tượng khu vực tư hiện nay đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công đó là các doanh nghiệp "sân sau". Đây là đối tượng chính cần kiểm soát nhưng trong luật này không đề cập đến. 

Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải quy định đối tượng cần kiểm soát là những doanh nghiệp tư có quan hệ về kinh tế cung cấp mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công thì phải kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán công khai tài chính 3 năm, năm trước, năm sau và năm có nảy sinh giao dịch, quan hệ mua bán đó. Như vậy, kiểm soát đối tượng này như minh bạch của doanh nghiệp nhà nước.