Xuất khẩu gạo đối mặt khó khăn trong năm 2013
Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2013 tới
Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa đưa ra dự báo về một thị trường xuất khẩu gạo đầy khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2013. Trong đó, sự cạnh tranh gay gắt sẽ đến từ các nước có nguồn cung dồi dào gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp tổng kết công tác xuất khẩu gạo năm 2012 và kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2013 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 7/1/2013 tại Tp.HCM.
Xuất khẩu gạo năm 2012 đạt 7,72 triệu tấn, trị giá FOB 3,45 tỷ USD (trị giá CIF 3,546 tỷ USD); tăng 8,29% về số lượng và giảm 1,98% về trị giá FOB so với năm 2011. Giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 446,86 USD/tấn, giảm 46,85 USD/tấn so với cùng kỳ. Hợp đồng tập trung 1,816 triệu tấn, chiếm 23,53% và hợp đồng thương mại là 5,904 triệu tấn, chiếm 76,47%. Lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đạt mức cao nhất từ trước tới nay nhưng giá trị xuất khẩu thấp hơn so với năm 2011 do giá xuất khẩu bình quân thấp.
Ngoài cơ cấu thị trường thay đổi khi các thị trường truyền thống giảm nhập khẩu và các thị trường mới nổi tăng mạnh lượng nhập khẩu, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển biến nhất định, tỷ lệ gạo cao cấp đã chiếm 46,29% số lượng và tăng 79% so với năm 2011.
Theo VFA, 2012 là năm tương đối khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo do giá thị trường thế giới sụt giảm và sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nguồn cung giá thấp, nhất là Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo đã đạt được kết quả ấn tượng và đặc biệt là đã đáp ứng được các nhiệm vụ. Đó là tiêu thụ kịp thời lượng lúa gạo hàng hóa của nông dân, giữa ổn định giá lúa gạo trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bảo đảm lợi ích của nông dân trồng lúa theo định hướng đề ra.
Theo VFA, các kết quả trên có được là do công tác điều hành xuất khẩu gạo hợp lý theo biến động của thị trường, quyết định mua tạm trữ lúa gạo kịp thời để bình ổn giá và tăng cường thông tin, tạo được sự đồng thuận chung giữa các ngành, các cấp, cũng như trong doanh nghiệp.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, công tác điều hành xuất khẩu gạo và hoạt động xuất khẩu gạo của năm 2012 đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra, nhất là việc tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân; giữ giá gạo trong nước không tăng đột biến, đảm bảo vai trò điều tiết thị trường.
Trong năm 2012, công tác dự báo khá chính xác và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành khá tốt, nhờ vậy đã ra quyết định tạm trữ kịp thời, giúp giá lúa gạo trong nước không bị giảm sâu, cùng với đó là việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài quay lại ký hợp đồng.
Tuy vậy, những khó khăn trong công tác xuất khẩu gạo năm 2012 cũng được VFA chỉ rõ. Đó là việc thiếu các hợp đồng tập trung với số lượng lớn, xuất khẩu gạo chủ yếu thông qua các hợp đồng thương mại có số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao trong khi tín dụng thương mại dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường chỉ 3 tháng nên các doanh nghiệp không có khả năng dự trữ, phải bán nhanh với giá thấp để quay vòng vốn trả nợ ngân hàng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu gạo dẫn đến việc một số doanh nghiệp phá sản vì khả năng tài chính yếu kém.
Về tình hình xuất khẩu gạo năm 2013, VFA cho biết, dự báo thị trường gạo thế giới năm 2013 sẽ khó khăn hơn năm 2012 do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước xuất khẩu gạo là rất lớn, nhất là Thái Lan. Trong đó, sự cạnh tranh gay gắt sẽ đến từ các nước có nguồn cung dồi dào gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Cụ thể, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, hợp đồng xuất khẩu của 2012 chuyển qua khoảng 780 ngàn tấn gạo nhưng trong số này có khả năng bị huỷ khoảng 40%. Trong khi đó, hiện chúng ta không có hợp đồng tập trung nào để giữ giá lúa gạo trong nước nên các thương nhân nước ngoài đang ra sức ép giá gạo Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần khéo léo trong việc đàm phán và điều hành xuất khẩu gạo.
Hiện các doanh nghiệp còn tồn kho khoảng 800.000 tấn gạo, cộng với quý 1/2013 sẽ có 3,8 triệu tấn gạo hàng hóa vụ đông xuân phải tiêu thụ và kế hoạch xuất khẩu gạo trong quý I là 1,4 triệu tấn gạo. Mục tiêu hàng đầu của công tác điều hành xuất khẩu gạo trong quý I/2013 là giải quyết hết lượng lúa đông xuân. Vì vậy, mặc dù VFA chủ trương cố gắng giảm lượng gạo tạm trữ nhưng dự báo vụ đông xuân này vẫn phải đề nghị Chính phủ cho tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo, dự kiến triển khai trong tháng 2/2013.
“Về những mục tiêu trong năm 2013, chúng ta sẽ phấn đấu xuất khẩu tối thiểu 7,5 triệu tấn gạo, giữ giá mua lúa không dưới 5.000 đồng/kg và đảm bảo 3 mục tiêu theo Nghị định 109”, đại diện VFA nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, ông Chinh cho biết, Bộ rất chia sẻ với VFA về dự báo khó khăn của thị trường xuất khẩu gạo 2013 và sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ bớt khó khăn cho công tác xuất khẩu gạo.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)