07:24 20/07/2009

Xuất khẩu hàng lạ: Xuất khoai sang “cường quốc khoai”

Thương nhân Trung Quốc tìm đến tận đồng bằng sông Cửu Long để mua khoai lang Ba Hạo

Ba Hạo đã cơ giới hoá để giảm chi phí 30%, nhờ vậy sản phẩm dễ bán.
Ba Hạo đã cơ giới hoá để giảm chi phí 30%, nhờ vậy sản phẩm dễ bán.
Một trong những thành công lớn của ông Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo) ở Hòn Đất, Kiên Giang là thu hoạch khoai lang trái mùa, để xuất khẩu sang Nhật và Trung Quốc, nơi chiếm 80% sản lượng khoai giao dịch toàn cầu.

Một hội nhà hàng ở Thượng Hải đã mời 30 đầu bếp nổi tiếng để chế biến món ăn từ giống khoai tây Lan Tía 3 - được phi hành đoàn mang theo phi thuyền Thần Châu 6, trải qua giai đoạn chiếu xạ, thay đổi áp suất và tình trạng không trọng lượng rồi lấy giống khoai này trồng tại đảo Hải Nam. Ngày lễ Tình nhân, giới doanh nhân Thượng Hải đổ xô đi ăn khoai tây trồng từ giống từng du hành vũ trụ.

Trung Quốc đã trở thành “cường quốc khoai”, nắm giữ 80% sản lượng khoai giao dịch toàn cầu, với những câu chuyện tiếp thị như kể trên. Vậy mà họ vẫn tìm đến tận đồng bằng sông Cửu Long để mua khoai lang Ba Hạo.

Không chỉ Trung Quốc tìm mua

Chủ trang trại Đỗ Quý Hạo ở Hòn Đất, Kiên Giang - từng trồng khoai lang tím Nhật Bản và bí đường xanh. Ông từng có quy mô trang trại 100 ha trồng khoai, từng cung ứng cho các công ty xuất khẩu và nhà máy chế biến thức ăn nhanh…

Thông thường, sản lượng khoai cung cấp cho Vinamit khoảng 35%, Antesco: 20%, thương nhân Campuchia: 30%. Hai năm nay, tỷ lệ này thay đổi khi thương nhân từ Quảng Châu, Trung Quốc tới tận trang trại ở Hòn Đất của Ba Hạo để đặt hàng.

 “Trung Quốc không ăn khoai bí đường xanh mà chỉ muốn mua hết khoai lang tím Nhật Bản”, chủ trang trại Ba Hạo nói. Họ thích khoai màu tím, đưa người sang, lo ghe vận chuyển từ trang trại của ông ở Nam Thái Sơn ra quốc lộ 80 rồi lên xe chạy theo đường bộ… đưa hàng về Trung Quốc. Vốn là người dè dặt, ông thận trọng ký hợp đồng từng chặng, nhiều nhất là 90% sản lượng từng vụ khoai lang tím Nhật Bản.

Antesco ở An Giang cũng bàn với Ba Hạo ký hợp đồng dài hạn cung cấp khoai lang. Công ty này có thị trường khá rộng ở Nhật và Hàn Quốc. Một tháng rưỡi nữa sẽ lấy 100 tấn để chuyển khoai thành món ăn khác. Tháng 10 sẽ lấy 1.000 tấn. Ba Hạo biết các nhà máy chuyển khoai lang từ loại cây lương thực sang thực phẩm thì giá trị tăng thêm khá cao, nhiều loại tăng tới 100%, nhưng ông không biết được chi phí chế biến, tiếp thị như thế nào nên tự giới hạn hiểu biết của mình ở phần lời từ rẫy khoai.

“Bây giờ chiên giòn, người ta không thích nữa, sấy chân không mới thích. Riêng Hàn Quốc muốn chế biến thành tinh bột, họ đặt 5.000 tấn tinh bột khoai, tức là phải dùng tới 20.000 tấn khoai tươi, lớn quá tôi không dám ký hợp đồng”, Ba Hạo lẹ lẹ báo với chính quyền để tổ chức nông dân phát triển diện tích khoai nhưng cộng đồng… chưa lay chuyển.

Đâu là bí kíp?

Trang trại của Ba Hạo có bộ sưu tập 30 giống khoai lang có tiền sử hàng trăm năm của vùng châu thổ này. Sản lượng khoai lang hàng năm trên thế giới lên tới 127 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sản xuất nhiều nhất, 105 triệu tấn/năm.

Ba Hạo biết được điều này và tự điều chỉnh lịch thu hoạch tránh mùa giỡ khoai ở Trung Quốc (tháng 5 - 10 âm lịch) rồi tìm cách “nối đuôi” khi Trung Quốc hết mùa. Người Nhật thích giống khoai Benniazuma, nhưng nếu kéo độ ngọt từ 11 còn 10 độ brix, thấp hơn khoai trồng ở Đắc Nông thì thị trường Nhật sẽ mở rộng cửa cho khoai trồng từ miền Tây.

Ba Hạo còn một cơ hội nữa.

Các nhà buôn Trung Quốc từng đặt hàng 10.000 đồng/kg vào thời điểm khoai chưa đủ lớn, nhưng Ba Hạo ngần ngại vì… chưa có hàng giao. Họ cho giá cứng, hợp đồng chặt chẽ, đặt cọc 1/3 giá trị hợp đồng, nhận tới đâu thanh toán tới đó. Chuyến cuối sẽ thanh toán cọc. Từ cuối năm 2008 tới nay, họ vẫn làm như vậy. Xuất khẩu tại chỗ, giá của thương nhân Trung Quốc cao hơn giá của thương nhân Campuchia. Trong nước, Vinamit mua cao giá hơn những nơi khác.

Với năng suất 35 tấn/ha và quy trình sản xuất hiện thời, Ba Hạo có ưu thế hơn nhiều nông dân khác do phẩm chất khoai ngon hơn và “giá nào cũng bán được”. “Nhờ trang bị máy móc cơ giới nên chi phí sản xuất của tôi thấp 30% so nông dân bình thường”, Ba Hạo nói.

Thời suy thoái, Ba Hạo giảm diện tích và tìm cách thâm canh. Trang trại nuôi tám “tài xế” chạy máy cày hoặc lo thu hoạch. “Bữa nào tui ngủ không được thì lui cui làm việc ở xưởng cơ khí, đầu tư cả tỉ đồng, suy nghĩ coi từ cái máy cày này chế thành máy bón phân, máy thu hoạch có được không. Suy nghĩ cũng khó hình dung, thôi cứ “chế” thử. Nhờ vậy Ba Hạo có máy thu hoạch khoai, nhà thiết kế Nhật Bản nhìn có lẽ phải “chạy mặt”.

Ba Hạo cười tủm tỉm, nói: ”Máy thu hoạch tự chế thôi mà, giảm hao hụt khi thu hoạch từ 5% còn 1%”. Làm đất, lên luống, tự động bón phân, thu hoạch bằng máy nên mỗi năm Ba Hạo làm hai vụ khoai, có chỗ làm được hai vụ rưỡi, sản lượng hơn 3.000 tấn/năm.

Lo xa

Cũng có người nói với Ba Hạo, làm ăn với “cường quốc khoai”, nắm giữ 80% sản lượng khoai giao dịch toàn cầu, liệu chẳng bao lâu giống khoai lang tím của ông chìm trong khoai Trung Quốc hoặc bị “ngào” trong những loại cây biến đổi gen thì làm sao?

Ba Hạo nói: “Thương nhân Trung Quốc từng tới chợ Hóc Môn, Bình Điền đặt người làm hàng. Khi biết website khoai lang Ba Hạo, họ đến trang trại mua hàng và hiện nay đi cả đồng bằng mua khoai. Có lẽ tôi sẽ đề nghị các thương nhân bán hàng nói rõ chỉ dẫn địa lý và sẽ thuê người có trình độ đại học làm việc ở trang trại”.

Ba Hạo nói tiếp: “Chưa có kinh nghiệm điều hành công việc với trí thức, tôi chỉ cần trí thức giúp tôi xuất khẩu hàng đừng bị ai lấn lướt là được rồi”.