11:18 03/09/2009

Chỉ tiêu xuất khẩu 2009: “Không nên chỉ quan tâm đến con số”

Anh Quân

Con số tổng kim ngạch chưa phản ánh hết thực tế tình hình hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn này

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Ảnh: Anh Quân.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Ảnh: Anh Quân.
“Trong 4 tháng còn lại của năm 2009, kim ngạch xuất khẩu phải đạt 27,31 tỷ USD thì mới hoàn thành kế hoạch năm”. Đó là tính toán của Bộ Công Thương trong một bản báo cáo gần đây.

Thừa nhận đây là mục tiêu vượt ngoài khả năng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Không nên chỉ quan tâm đến con số mang tính chất vĩ mô như vậy”. Bởi vì, theo Thứ trưởng, con số tổng kim ngạch chưa phản ánh hết thực tế tình hình hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn này.

Trao đổi với VnEconomy bên lề cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra chiều ngày 1/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói:

- Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của chúng ta giảm, nhưng lượng xuất khẩu không giảm mà nhiều mặt hàng lại tăng, nhất là những mặt hàng đo đếm được về lượng.

Ví dụ một số mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo... đều tăng từ 5-8% đến 10% về lượng. Riêng hạt tiêu tăng 43%, gạo tăng xấp xỉ như thế; cao su tăng đến 8%; dầu thô tăng 6%; than đá cũng tương đương năm ngoái…

Có nghĩa là, xuất khẩu của chúng ta vẫn đạt kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, tiếp đến là các bộ, các cơ quan chức năng, các ngành hàng, địa phương, có đóng góp cả từ phía sản xuất cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại…

Cho nên, một trong những chỉ tiêu sắp tới chúng ta không thể không tính đến là ngoài giá trị thương mại, phải tính cả khối lượng hàng hóa.

Mặt bằng giá thế giới năm 2008 diễn biến quá bất thường và không bình thường trong một thời gian ngắn. Cho nên, việc so sánh thuần túy một cách cơ học giá trị xuất khẩu năm 2009 với năm 2008 là không hoàn toàn chính xác.

Theo tôi, phải so sánh cả yếu tố số lượng và yếu tố thị trường, trong một mặt bằng giá chung của cả thời kỳ, chứ không riêng gì mấy tháng đỉnh cao trong năm 2008.

Qua thực tế khảo sát tại một số cảng lớn gần đây, chúng tôi phát hiện lượng hàng tạm nhập tái xuất có khối lượng tương đối lớn. Tức là về lượng, con số tại các báo cáo có thể đã “méo mó” so với thực xuất của doanh nghiệp?

Thực tế là có một số mặt hàng, trong 8 tháng đầu năm, việc tạm nhập tái xuất có tăng. Cụ thể là mặt hàng xăng dầu, trong 8 tháng đầu năm nay, tạm nhập tái xuất tăng về lượng là 60%, nhưng về giá trị lại giảm mất 18%. Năm ngoái, cũng là tạm nhập tái xuất mặt hàng này, nhưng vì giá cao nên đóng góp trong kim ngạch về giá trị xuất khẩu cũng khác.

Ngoài mặt hàng xăng dầu, cũng có một số mặt hàng khác mà việc tạm nhập tái xuất tăng cao hơn. Ví dụ như mặt hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ một số nước và tái xuất qua lãnh thổ Việt Nam là có tăng.

Trong thời gian đầu năm, thời kỳ container đông lạnh theo hình thức tạm nhập tái xuất về cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cũng có số liệu cho rằng tăng hơn năm ngoái.

Thực tế là trong bối cảnh các quy định về quản lý nhập khẩu của Trung Quốc siết chặt, nên lượng hàng tồn tại cảng trong tháng 5, tháng 6 tương đối lớn. Các năm trước không bị ứ đọng nên không có cảm giác nhiều như thế. Nhưng hiện nay chúng ta đã giải tỏa và trở lại bình thường.

Thế nên, tôi cho rằng về cơ bản, hoạt động tạm nhập tái xuất không có gì đột biến so với các năm trước. Việc tăng trưởng xuất khẩu do tạm nhập tái xuất tăng lên là không đáng kể.

Số liệu xuất khẩu những tháng gần đây cho thấy, so với cùng kỳ, mức giảm sút của kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Có bao nhiêu % chúng ta không đạt chỉ tiêu xuất khẩu năm nay?

Mức giảm kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay là 14,2% (so với cùng kỳ - PV). Việc chúng ta phải phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch 3% trong hoàn cảnh hiện nay là rất khó khăn.

Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa, còn việc có thực hiện được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó không chỉ là nỗ lực của các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, mà còn phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp, tình hình phục hồi kinh tế tại các thị trường quan trọng của Việt Nam như là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Riêng các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có xu hướng phục hồi nhanh hơn. Nhưng đây lại không phải là các thị trường chủ lực của chúng ta, mà cạnh tranh tại các khu vực này hiện nay còn khốc liệt hơn.

Chúng tôi cũng xin nói thật là có những yếu tố khách quan như vậy.

Có phải vì lo không đạt chỉ tiêu nên trong kế hoạch xúc tiến xuất khẩu 4 tháng cuối năm, Bộ không nhắc đến các mục tiêu cụ thể về kim ngạch?

Mục tiêu cụ thể đã có. Và nếu chúng ta trừ phần thực hiện 8 tháng thì còn lại 4 tháng. Chia ra từng tháng thì rất cao (trung bình mỗi tháng đạt gần 6,83 tỷ USD - PV), cao hơn khả năng thực tế đang diễn ra hiện nay.

Bây giờ không phải là lúc đưa ra những con số vượt quá sức của mình mà phải tìm biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu từng nhóm hàng, từng thị trường cụ thể; phải làm việc với từng doanh nghiệp, từng hiệp hội ngành hàng; làm việc với từng địa phương, với từng thành phần kinh tế cả doanh nghiệp trong nước và FDI...

Không nên chỉ quan tâm đến một con số mang tính chất vĩ mô như vậy.

Nếu kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt 61 tỷ USD như một số dự báo gần đây, theo ông, chúng ta cần có sự điều chỉnh gì trong các cán cân vĩ mô?

Tất nhiên, việc xuất khẩu không tăng như mong muốn thì đầu tiên sẽ tác động đến cán cân thương mại. Sau đấy, nó tác động đến cán cân thanh toán, đến nguồn thu ngoại tệ của quốc gia, cũng như của doanh nghiệp.

Ở đây, chúng ta phải có các điều chỉnh như thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cán cân thanh toán để đảm bảo duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô, không gây mất cân đối các chỉ tiêu kinh tế…